Người Nổi Tiếng
Trang tin tức giải trí, tiểu sử người nổi tiếng

Bí quyết thành công của ‘vua lẩu’ giàu nhất Singapore

Tỷ phú Zhang Yong, 49 tuổi, nhà đồng sáng lập, Chủ tịch của Haidilao, chuỗi nhà hàng lẩu nổi tiếng có trụ sở tại Bắc Kinh vừa trở thành người giàu nhất Singapore với khối tài sản lên đến 13,8 tỷ USD. Chỉ trong 3 tháng đầu năm, tài sản của ông Zhang đã thêm 6 tỷ USD, đạt tốc độ tăng 79% nhờ nhu cầu bùng nổ tại thị trường Trung Quốc. Đây là mức tăng tài sản nhanh nhất tại châu Á và thứ 2 toàn cầu.

Tuy chỉ chiếm 3% tại thị trường Trung Quốc nhưng doanh thu năm 2018 của Haidilao đạt 17 tỷ nhân dân tệ (2,6 tỷ USD) giúp giá cổ phiếu của công ty này tăng hơn 75%. Hiện vốn hóa thị trường của công ty này ở mức 21 tỷ USD. Vợ chồng Zhang Yong sở hữu 58% cổ phần tại Haidilao. Hiện chuỗi nhà hàng này đang có tham vọng mở rộng ra thị trường nước ngoài, nơi có nhiều người Trung Quốc sinh sống như Australia, Canada, Thái Lan và một số nước khác ở Đông Nam Á.

Bí quyết thành công của vua lẩu giàu nhất Singapore

Tỷ phú Zhang Yong, nhà sáng lập kiêm chủ tịch của chuỗi nhà hàng lẩu Haidilao. Ảnh: Forbes.

Sau hơn 25 xây dựng Haidilao, ông Zhang từ một thợ hàn đã trở thành tỷ phú giàu nhất quốc đảo Singapore. Con đường đến với thành công của vị tỷ phú chưa học hết cấp 3 này luôn gắn liền với hai tiêu chí quan trọng đó là: chất lượng món ăn và dịch vụ khách hàng.

Haidilao được thành lập năm 1994 bởi Zhang và một số người bạn của ông. Trước đó ông từng bỏ học phổ thông và làm công nhân hàn xì tại một xí nghiệp máy kéo tại thành phố Giản Dương, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc. Tuy nhiên, vào năm 1994, sau khi tranh cãi với cấp trên về việc bị công ty từ chối cấp căn hộ cho bản thân và vợ ông, bà Shu Ping, Zhang đã nghỉ việc để tự mở quán lẩu.

Chia sẻ với Bloomberg vào năm 2017, vị tỷ phú cho biết ý tưởng mở quán lẩu đến với ông từ lần đầu tiên được đi ăn nhà hàng thuộc vùng nông thôn của tỉnh Tứ Xuyên năm 19 tuổi. Ông đã cảm thấy bất ngờ khi món lẩu tại nhà hàng cũng tệ như những bữa ăn tại căn tin của xí nghiệp nơi ông làm việc. Bên cạnh đó thái độ phục vụ không chuyên nghiệp và khó chịu của nhân viên nhà hàng khiến ông không thoải mái. Từ đó ông ấp ủ ước mơ mở nhà hàng lẩu với chất lượng món ăn và tác phong phục vụ tốt nhất.

Nguyên liệu để chế biến món lẩu tại Haidilao. Ảnh: Haidilao. 

Nguyên liệu để chế biến món lẩu tại Haidilao. Ảnh: Haidilao.

Ông Zhang cho biết khi mở quán, ông chưa từng có kinh nghiệm nấu ăn để kinh doanh và thậm chí còn không biết cách nấu một nồi lẩu Tứ Xuyên truyền thống. Điều mà vị tỷ phú này tâm niệm lúc đó chỉ là làm sao đem lại cho khách hàng một trải nghiệm ẩm thực tuyệt vời nhất thôi.

Để thực hiện điều đó, Zhang cùng với vợ và những người bạn đã tìm hiểu về nguyên liệu, cách chế biến và thực hành nấu lẩu rất nhiều lần. Họ cùng nhau ăn, đánh giá và cải thiện chất lượng qua nhiều lần để tạo nên công thức món lẩu nổi tiếng như ngày nay.

Zhang cũng cho rằng dịch vụ chăm sóc khách hàng luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng. “Tôi vốn xuất thân từ vùng nông thôn, nơi mà những người dân quê tin rằng, nếu bạn lấy tiền của người khác mà không đem lại lợi ích gì cho họ, thì bạn là một kẻ dối trá”, ông giải thích.

Ngày nay, Haidilao nổi tiếng với những dịch vụ chăm sóc khách hàng độc đáo và sáng tạo như: làm móng tay miễn phí, đánh giày cho thực khách trong lúc họ chờ đợi. Nhà hàng còn có phòng chụp ảnh in liền tại chỗ, sạc điện thoại, thậm chí là cả cũi dành riêng cho em bé. Và còn có cả biểu diễn nghệ thuật “múa mì” theo nhạc điệu nghệ, xiếc góp vui cho thực khách.

Thực khách của Haidilao được làm móng tay miễn phí trong khi chờ có bàn trống. Ảnh: Haidilao. 

Thực khách của Haidilao được làm móng tay miễn phí trong khi chờ có bàn trống. Ảnh: Haidilao.

Chính nhờ món ăn chất lượng và thái độ phục vụ chu đáo, dịch vụ sáng tạo đã khiến Haidilao trở thành chuỗi nhà hàng lẩu được yêu thích nhất Trung Quốc. Tại nhiều nhà hàng Haidilao, thực khách đều phải xếp hàng đợi đến vài giờ mới có chỗ ngồi.

Bên cạnh đó, để nhân viên tận tâm với công việc, Zhang luôn có chế độ đãi ngộ tốt với từng người. Công ty xây ký túc xá cho nhân viên ở lại, hàng năm đều gửi quà tết và tiền thưởng thêm cho bố mẹ, vợ con của từng nhân viên. Nhân viên nghỉ ốm đều có lương và đều nhận được chế độ chăm sóc y tế cho cả gia đình.

Ngoài ra, vị tỷ phú khuyến khích và thưởng lớn cho những nhân viên đưa ra các sáng kiến hay, ví dụ như tặng thực khách túi nhựa dùng đựng điện thoại để tránh rớt vào nồi lẩu, tặng cả kẹp tóc cho những thực khách tóc dài vì lý do tương tự.

“Nếu bạn muốn có sự sáng tạo, bạn phải để nhân viên của mình nảy ra ý tưởng và áp dụng chúng”, tỷ phú giàu nhất Singapore nói.

Sơn Nam (Theo Forbes)