1. Tặng vườn cao su trị giá 170 tỷ đồng cho bộ đội Trường Sa
Bà Hằng cho biết vì ông Dũng – chồng bà cũng từng là bộ đội, nên bà đã quyết định đưa tới quyết định “độc nhất vô nhị” trong giới doanh nhân như vậy. Sau khi hoàn tất các thủ tục pháp lý theo đúng quy định luật pháp, đại diện bộ đội Trường Sa có thế phát mãi chuyển thành tiền, sử dụng nguồn tiền đó cho rất nhiều việc phục vụ đời sống cho những chiến sĩ đang ngày đêm công tác, bảo vệ biển đảo Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa.
Bà từng chia sẻ với báo chí rằng: “Thực lòng tôi luôn luôn có tình cảm và thương những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình trong cuộc sống, nhất là bộ đội và những người làm công tác bảo vệ. Họ là những người dám hy sinh cả một đời để cống hiến cho Tổ quốc. Họ không có điều kiện để làm kinh tế, không có cơ hội làm giàu cho bản thân và gia đình. Vợ con và những người thân của họ rất thiệt thòi. Vì chồng tôi – anh Huỳnh Uy Dũng cũng đã từng là bộ đội, cũng đã kể cho tôi nghe gian khổ của bộ đội sống nay, mai chết nơi chiến trường, nên tôi đã quyết định trao toàn bộ số tài sản thật của tôi để chia sẻ phần nào khó khăn với các anh bộ đội nơi hải đảo xa xôi. Việc làm này cũng khiến cho tôi cảm thấy ấm lòng và an ủi cho tôi với bao nhiêu tủi nhục cay đắng, với thị phi với những lời đồn thổi không đúng về bản thân tôi trong suốt thời gian tôi âm thầm đi tìm công lý. Tôi tin vào lương tâm mình, vào pháp luật, vào nhân quả. Và hôm nay tôi cảm thấy mãn nguyện, cảm thấy hạnh phúc khi tôi đã thực hiện được lời hứa của tôi. Đó là danh dự, là lòng tự trọng của tôi.”
Bà chia sẻ thêm: “Tôi chưa bao giờ đến Trường Sa, chỉ xem qua truyền hình và có lần tôi đã khóc khi xem chương trình có bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP.HCM trong một chuyến ra thăm Trường Sa, đã có một anh bộ đội xin "được ôm cô Thảo" để nhớ về người mẹ của mình nơi quê nhà. Nước mắt tôi tuôn trào khi xem hình ảnh đó. Nhìn những chốt gác hiu quạnh giữa biển cả, tôi càng chạnh lòng và xót xa. Đó là tình cảm thật của con người với nhau. Nhìn bề ngoài tôi cứng rắn và bản lĩnh nhưng tận sâu thẳm trong trái tim tôi, tôi là người hay thương người, hay xót xa trước hoàn cảnh người khác. Tất nhiên trước những việc làm trái pháp luật, vô lương tâm, y chí của tôi luôn kiên định, đã dám nói là dám làm. Cả đời tôi chưa biết đầu hàng bỏ chạy hay trốn chạy khi bị ai đó rượt đuổi vô cớ. Tôi phải lột trần sự thật đó ra, dù có mất mát, dù có cay đắng phũ phàng.”
2. Quỹ mổ tim “Hằng Hữu”
Ra đời từ năm 2016, quỹ đã cứu giúp hàng ngàn trẻ em khó khăn mắc bệnh tim bẩm sinh & não úng thủy. Ông Huỳnh Uy Dũng và bà Nguyễn Phương Hằng đã ký kết thỏa thuận tài trợ điều trị bệnh tim bẩm sinh và não úng thủy cho trẻ em nghèo đến phẫu thuật, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo đó, Quỹ từ thiện Hằng Hữu sẽ tài trợ toàn bộ chi phí (ngoài khả năng chi trả của BHYT) để Bệnh viện thực hiện việc điều trị bệnh tim bẩm sinh, não úng thủy cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn khi nhập viện thực hiện các ca phẫu thuật, điều trị liên quan. Ngoài ra, Quỹ “Hằng Hữu” còn trao tặng nhiều trang thiết bị phục vụ quá trình điều trị cho bệnh nhân nhi tại BV Đà Nẵng như: máy thở trẻ em đa chức năng, hệ thống Monitor 7 thông số, hệ thống ECMO Cardiohelp, bộ dụng cụ phẫu thuật tim hở cho trẻ em…
3. Mở chương trình “Giờ vàng” cứu giúp những người bị tai nạn giao thông không thân nhân
Ông Huỳnh Uy Dũng cho hay: “Tôi chứng kiến cảnh nhiều người không may bị tai nạn giao thông giữa đường trong tình trạng thập tử nhất sinh mà không làm sao cứu giúp. Rồi những người này được nhập viện nhưng không có thân nhân, không ai đóng tiền nên rắc rối về thủ tục cấp cứu. Tôi thấy xót xa quá. Cận kề giữa lằn ranh sinh tử, sống chết chỉ trong một cái chớp mắt, nhưng chỉ vì thiếu thủ tục đóng tiền mà một sinh mạng phải lìa trần. Bây giờ tai nạn giao thông đã giảm đi nhiều, đó là điều đáng mừng, là cái phước của nhân dân và đất nước mình. 20 năm trước đây mỗi năm cả nước có trên 35 ngàn người chết vì tai nạn giao thông và gấp đôi, gấp ba số đó bị thương tích, tàn tật, mất sức lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Giờ đã giảm đi nhiều nhưng tai nạn giao thông vẫn diễn ra đầy rẫy, mỗi ngày, khắp nơi. Điều đó làm tôi trăn trở và tôi thành lập chương trình này để cứu người bị tai nạn giao thông, lúc ngặt nghèo nhất mà họ cần cứu giúp."
Chương trình liên kết với ba bệnh viện: Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Bình Định và Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Bất kỳ ai bị tai nạn giao thông chuyển đến trong tình trạng không thân nhân đều được bệnh viện ứng tiền để nhập viện cấp cứu và chương trình sẽ hoàn trả lại.”
4. Góp tiền xây dựng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định
Một học sinh cũ của trường nhớ lại: “Quay lại quá khứ 22 năm về trước tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, có một trường chuyên Lê Quý Đôn, ở nơi đó thầy cô và học sinh dạy và học tại một dãy phòng học được một trường khác cho "ở nhờ". Cái cổng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn Bình Định bé tẹo, nếu không chú ý sẽ nhận không ra vì bản chất là "ở nhờ" cơ mà. Có một bài báo thời đó tôi vẫn còn nhớ như in cái nội dung "Trường chuyên Lê Quý Đôn đã được tỉnh giao khu đất đường Nguyễn Huệ nhưng chưa đủ tiền xây dựng vì ngân sách chỉ có 2 tỷ đồng". Ở bài báo đó còn có câu "nói khích" là "Để duy trì đội bóng con ngựa ô tỉnh Bình Định mỗi năm ngân sách chi ra gần chục tỷ đồng nhưng ngân sách để xây cái trường chuyên đại diện cho tỉnh chỉ dăm bảy tỷ đồng là không có!" Tôi vẫn nhớ nội dung bài báo cơ bản là như vậy. Vậy có liên quan gì đến chú Dũng, chủ tịch khu du lịch Đại Nam?
Năm 2000, chủ khu công nghiệp Sóng Thần và cũng là chủ tịch KDL Đại Nam đã tặng cho trường chuyên Lê Quý Đôn Bình Định số tiền là 6,5 tỷ đồng, cộng với 2 tỷ ngân sách nhà nước để xây dựng ngôi trường khang trang trong thời gian kỷ lục, vì tiền tươi thóc thật mà. Lưu ý thời điểm đó vàng khoảng 6,5 triệu/lượng tức 6,5 tỷ đồng tương đương 1.000 lượng vàng. Điều mà thế hệ học sinh chúng tôi nể chú Dũng đến sát đất là theo nhận thức và hiểu biết thì chú Dũng gần như không có bất kỳ đòi hỏi nào cả, chú cho đi nhẹ nhàng như uống ly cafe vậy, chú Dũng cho đi vì chú là người con Bình Định, vì là có thầy Đắc (trưởng bộ môn toán) là bạn học cấp 3 của chú - thầy Đắc có tâm tình với chú, vì là chú Dũng nghĩ cần phải làm vậy...
Hiện nay khi đến ngôi trường Lê Quý Đôn, Bình Định sẽ thấy một cái bảng rất bé có ghi Công ty CP Sóng Thần tài trợ xây dựng. Có thế hệ không được ngày nào ngồi học ở ngôi trường Lê Quý Đôn mới xây dựng ngày nào nhưng vẫn hay nhắc nhau, nhắc nhở các thế hệ học sinh Lê Quý Đôn về lòng biết ơn về một con người rộng rãi vô điều kiện, một hành động trượng nghĩa vô bờ bến.” – Cao Trung Hiếu.
Ngoài ra, ông Huỳnh Uy Dũng còn xây dựng rất nhiều các cây cầu, nhà đại đoàn kết, đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng một số con đường đất hiện hữu thành đường bê tông xi măng và đường láng nhựa, xây dựng các trường học tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa khác..
Nguồn Doanhnhanvn.vn
Link nội dung: https://nguoinoitieng.net/tam-long-vang-cua-vo-chong-dai-gia-huynh-uy-dung-phuong-hang-a80883.html