Khảo sát nhanh gần 400 doanh nghiệp tham gia hội thảo trực tuyến "FPT eCovax – Liệu pháp số vượt dịch cho doanh nghiệp" cho thấy, 3 khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp tại thời điểm này là Năng suất suy giảm khi làm việc từ xa (43%); Ùn ứ giấy tờ, hóa đơn, hợp đồng khi làm việc từ xa (20%) và Gián đoạn liên lạc, trao đổi công việc (13%). Để giải quyết những khó khăn này, có tới 94% doanh nghiệp tham gia khảo sát khẳng định sẵn sàng đầu tư cho việc số hóa các hoạt động như quản lý nhân sự, văn phòng không giấy tờ.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng tình hình đại dịch phức tap hơn chúng ta dự đoán: "Với đại dịch Covid-19, trên thế giới tỷ lệ nhiễm bệnh ở mức trên 10%, tỷ lệ tử vong tuỳ từng nước vào khoảng dưới 2% tới 2,7%. Điều mà chúng ta chứng kiến là những biến thể ngày càng hung dữ, truyền bệnh khi chỉ vài giây đi ngang qua nhau, ngày càng xuất hiện nhiều biến thể. Đó là bối cảnh chúng ta đang phải sống.
Trước khi nói về cách mạng công nghệ 4.0 hay chuyển đổi số, chúng tôi đã nói rằng thế giới đã đổi thay, nhưng không ngờ rằng đại dịch Covid-19 xuất hiện và khiến mọi chuyện biến đổi còn mạnh hơn cả ý chí của chúng ta.
Tại Việt Nam, chúng ta từng từng hy vọng với bối cảnh đặc biệt và quyết tâm chống dịch như chống giặc, cả người dân và Chính phủ đồng lòng, chúng ta có thể hạn chế/kiểm soát dịch và sớm quay lại bình thường. Hiện tại, dịch bệnh đang bùng phát lại tại TP.HCM và nhiều tỉnh thành. Chúng ta đã phải thực hiện nghiêm khắc các chỉ thị giãn cách xã hội để chống dịch".
Đánh giá về sức khoẻ doanh nghiệp hiện tại, Chủ tịch FPT đưa ra số liệu khảo sát của các tổ chức, trong đó có cả Ban IV, tỷ lệ nhiễm bệnh của doanh nghiệp là 90%, chưa kể tỷ lệ tử vong và phá sản của doanh nghiệp là khoảng 10%, cao gấp nhiều lần. Theo ông Bình, điều này sẽ để lại hậu quả lâu dài cho nền kinh tế quốc gia.
Hiện nay, nhiều địa phương, các hiệp hội ngành nghề, Ban IV đều đang tích cực tìm kiếm giải pháp để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh nếu dịch kéo dài, có một số dự báo đã nói rằng ít nhất phải qua năm 2022.
"Trong bối cảnh như vậy, làm thế nào để bảo vệ doanh nghiệp của mình, bảo vệ thành quả trong bao nhiêu năm xây dựng, bảo vệ nền kinh tế quốc gia. Chưa kể khi dịch qua, chúng ta phải là những người đầu tiên bứt phá trong giai đoạn hậu Covid", Chủ tịch FPT đặt câu hỏi.
Theo ông Trương Gia Bình, để vượt qua khủng hoảng Covid, đây phải là cuộc chiến, đất nước, chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng chung tay giải quyết vấn đề này.
"Hiện nay, giải pháp đó là kinh tế xanh, doanh nghiệp xanh, sản xuất xanh, giao thông xanh, cảng xanh, vận tải xanh… Đây là giải pháp bảo vệ an toàn khu của chúng ta - các khu vực xanh. Giải pháp đó sẽ được các cấp chính quyền sớm ra chỉ đạo, kết hợp sản xuất và chống dịch, bảo toàn sinh mạng con người và an toàn xã hội. Lần đầu tiên sẽ có các chương trình ERP đời mới, ERP số với các giải pháp quản trị doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp an toàn trong sản xuất kinh doanh", ông Bình nhận định.
Một vấn đề của Doanh nghiệp được ông Bình nhắc đến là vấn đề cạn vốn trong thời khủng hoảng.
"Khách hàng thì không có, có thì khó trả tiền mà trả tiền cũng không đủ để nuôi quân, duy trì sản xuất. Đơn hàng không được giao, chậm thanh toán. Hãy so sánh vốn với oxi. Trong điều trị F0 thì quan trọng nhất là đo nồng độ oxi trong máu. Với doanh nghiệp, nồng độ oxi đó chính là vốn", ông Bình nhận đinh.
Theo Chủ tịch FPT, Ban IV đang đề xuất để có biện pháp bảo vệ người lao động.
"Còn lao động thì doanh nghiệp còn, mất lao động thì doanh nghiệp mất. Để bảo vệ người lao động, đó không chỉ là chuyện về sinh mạng, mà còn là sinh kế. Chúng tôi đang đề xuất trong các gói hỗ trợ, phải có gói bảo vệ sinh kế, đề xuất chính phủ và chính quyền các cấp có thể đứng ra bảo lãnh để các ngân hàng thương mại chi trả chi phí cố định, điện nước cho doanh nghiệp. Vượt qua đại dịch, doanh nghiệp sẽ có khả năng trả đủ cho ngân hàng, nếu không vượt qua được, tỷ lệ đó cũng rất rất nhỏ, và vẫn đảm bảo nền kinh tế khoẻ mạnh", ông Bình đưa ra giải pháp.
Chủ tịch FPT cho biết, thời "ai ở đâu thì ở đấy", doanh nghiệp cần các công cụ số. FPT đưa ra giải pháp FPT eCovax giúp doanh nghiệp hoạt động liên tục, thông suốt. "Đối với các doanh nghiệp, mỗi ngày đều rất quan trọng, nên không cần giải quyết tất cả vấn đề, giải quyết được vấn đề nào thì giải quyết ngay".
Ông Vũ Anh Tú - Giám đốc công nghệ FPT
Theo ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ FPT, Chương trình eCovax của FPT giúp doanh nghiệp hoàn toàn chủ động trong vận hành công việc như cung cấp giải pháp đại hội cổ đông trực tuyến, chữ ký số, giúp ngân hàng và khách hàng có thể tiến hành ký kết mà không cần tiếp xúc, chỉ cần 5 phút giao dịch, không cần đến quầy hay điểm giao dịch.
"Hay chúng tôi xây dựng nền tảng số giúp bà con nông dân tại Hải Dương và các tỉnh thành khác có thể vận chuyển hàng hoá tới tận tay người tiêu dùng mà không cần đưa tới siêu thị, không cần gặp nhau để thanh toán.
Nhiều doanh nghiệp rơi vào thế bị động khi đầu tư hạ tầng cho nhân viên làm việc từ xa, từ đầu tư phần cứng, phần mềm, cài đặt tới cung cấp cho nhân viên, chúng tôi triển khai các dịch vụ SaaS trên nền tảng đám mây (Cloud) giúp doanh nghiệp có thể triển khai trong vài ngày, không cần mua sắm phức tạp", Giám đốc công nghệ FPT chia sẻ.
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị