Vậy liệu nghệ sĩ có bắt buộc phải sao kê và minh bạch toàn bộ khoản thu chi tiền từ thiện với công chúng?
Tiến sĩ văn hóa Tùng Hiếu, Giảng viên khoa Văn hóa học của trường KHXH&NV
Tiến sĩ văn hóa Tùng Hiếu nhận định: "Việc làm từ thiện từ tiền quyên góp của công chúng rất dễ xảy ra những tranh cãi nếu không đúng cách. Vì vậy, theo tôi họ không nên làm theo diện cá nhân mà hãy tìm sự giúp đỡ ở một số cơ quan đoàn thể như Hội Nghệ sĩ, Hội Doanh nhân... để có nhiều người chung tay cho việc làm của mình minh bạch hơn".
Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương
Tiến sĩ Khoa học Ngữ văn Đoàn Hương đã có những chia sẻ vô cùng thẳng thắn, nêu rõ quan điểm trước truyền thông. Nói về vấn đề nghệ sĩ làm từ thiện, cô cho rằng, nghệ sĩ làm từ thiện có thể thu chi tiền tỷ nhưng phải minh bạch từng nghìn đồng để khán giả và các nhà hảo tâm có lòng tin.
Trước ý kiến netizen cho rằng sau những lùm xùm gần đây, nghệ sĩ sẽ dè chừng và ngại đứng ra làm từ thiện, TS Đoàn Hương thổ lộ: "Tôi nghĩ nghệ sĩ chẳng việc gì phải e ngại khi làm từ thiện, các cụ có câu 'Cây ngay không sợ chết đứng', nếu họ có tâm trong sáng thì đi từ thiện không bao giờ sợ vấn đề gì xảy ra. Mà giả sử có xảy ra vấn đề gì thì cộng đồng cũng sẵn sàng tha thứ vì đó là lỗi lầm vì không chuyên nghiệp".
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tùng Lâm
Trao đổi với tiến sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa Tùng Lâm, ông đưa ra giải pháp về chuyện làm từ thiện của các nghệ sĩ hiện nay. "Nghệ sĩ Việt làm từ thiện cần rút kinh nghiệm cho bản thân từ trường hợp của người đi trước. Theo tôi, nghệ sĩ làm từ thiện cần phải có 3 bước sau:
Thứ 1: Nên lập quỹ từ thiện và có kế hoạch rõ ràng
Pháp luật không bắt buộc nghệ sĩ lập quỹ mới được quyên góp từ thiện nhưng việc lập quỹ là phương pháp giúp nghệ sĩ quản lí và minh bạch các nguồn thu chi của mình.
Quỹ từ thiện lập ra phải được pháp luật cho phép và tuân thủ mọi quy định của pháp luật và có người quản lí, thu chi rõ ràng. Từ đó, nghệ sĩ lập có thể lập kế hoạch chi tiết và kêu gọi quyên góp đúng mục đích. Còn làm tự phát sẽ xảy ra nhiều rủi ro.
Thứ 2: Cần tiên quyết 2 yếu tố công khai và minh bạch
Đây là 2 yếu tố quan trọng và quyết định đến việc quyên góp và làm từ thiện của nghệ sĩ.
Công khai tức là quyên góp công khai, rõ ràng các hoạt động và kế hoạch, thời gian làm từ thiện của mình. Còn minh bạch tức là các con số từ thu đến chi phải tường tận cho các mạnh thường quân biết và theo dõi.
Thứ 3: Đúng nguyện vọng của mạnh thường quân
Một yếu tố quan trọng khác không thể thiếu là phải đáp ứng đúng nguyện vọng của mạnh thường quân. Tức người quyên góp và làm từ thiện từ tiền của công chúng không được tự ý dùng số tiền từ thiện theo ý mình mà phải cam kết đúng mục đích ban đầu với mạnh thường quân.
Tiến sĩ Vũ Thế Dũng - nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Bách khoa TP.HCM
Để bàn luận về chuyện làm từ thiện, tiến sĩ Vũ Thế Dũng chia sẻ: "Trong công tác quyên góp từ thiện, dù không nói ra nhưng vẫn tồn tại cam kết ẩn giữa công chúng và nghệ sĩ. Trong cam kết đó gồm rất nhiều thứ. Gồm số tiền uỷ thác, tôi đưa anh một triệu phải từ thiện đúng một triệu, không thực hiện 800 ngàn được.
Anh nói là đến miền Trung là phải đến miền Trung. Mục tiêu đưa tiền mặt hay gửi gạo thì phải đúng mục tiêu. Anh thực hiện hay người khác thực hiện thì phải làm đúng cam kết, trong thời gian nào, phương pháp nào và kết quả dự kiến là gì".
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, dự thảo nghị định mới đã quy định rõ đối với cá nhân khi tham gia vận động, tiếp nhận và sử dụng nguồn đóng góp từ thiện. Việc yêu cầu các cá nhân này phải thực hiện công khai về thông tin tiếp nhận, phân phối trên các phương tiện truyền thông, là cách để cả xã hội giám sát việc vận động tài trợ này có đến tay người cần tài trợ hay không. Những người có tấm lòng hảo tâm, dù là đóng góp số tiền nhỏ, thì họ cũng có quyền được biết tiền được chi tiêu thế nào. Do đó, cần phải có chế tài đối với trường hợp đồng tiền huy động từ dân sử dụng không đúng mục đích, hoặc cá nhân huy động tư lợi cá nhân.
Chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Berlin Crisis Solutions
Từ Berlin, chuyên gia truyền thông Lê Ngọc Sơn - Chủ tịch Berlin Crisis Solutions đã có những nhìn nhận về hàng loạt bê bối của giới giải trí thời gian vừa qua.
Theo anh, mỗi ngành nghề đều có trách nhiệm xã hội của riêng mình, và giới làm nghệ thuật không thể là ngoại lệ. Khi đã bắt tay vào làm bất kỳ công việc gì, cũng phải làm hết sức và chuyên nghiệp nhất có thể. Với việc từ thiện, lại càng phải cần sự chuyên nghiệp hơn hết. Đó không chỉ là câu chuyện chi tiêu tiền bạc, còn là lương tâm, là tình cảm, là sự nặng lòng với mỗi cảnh đời cần cứu giúp.
Cách “hờn dỗi” và câu chuyện đầy tính trẻ con của anh hàng xóm cho kẹo chỉ thể hiện tư duy sai lệch của giới nghệ sĩ về công việc từ thiện, và sự cảm tính của họ trong cách ứng xử trước truyền thông, công chúng.
Tôi có cảm giác nhiều nghệ sĩ đang đặt cái tôi quá cao, tự thấy mình đặc biệt so với số đông. Trong việc từ thiện, họ đặt mình ở vị thế cao hơn, vị thế của những người “làm ơn”, những người “ban phát kẹo” cho những cảnh đời cùng khổ. Họ không đặt mình đứng chung với số đông, vì thế đã nảy sinh cảm xúc “ấm ức” khi “làm ơn, mắc oán”.
Họ cũng là những người quá mẫn cảm chăng? Là người của công chúng nhưng lại dễ dàng bày tỏ phẫn nộ đầy cảm tính trước các ý kiến trái chiều. Cách ứng xử cảm tính này cũng cho thấy sự thiếu hiểu biết của nhiều nghệ sĩ về mối quan hệ giữa họ và công chúng.
Nghệ sĩ làm từ thiện đến lúc đối mặt với yêu cầu chuyên nghiệp, đâu ra đó, sổ sách rõ ràng. Thì cần có một tổ chức kiểm toán độc lập, hoặc thông qua một đơn vị có chức năng kêu gọi lập quỹ từ thiện. Cho nên, nhận một đồng cũng phải rạch ròi, tất cả tài khoản được minh bạch hóa mới giúp họ cải thiện hình ảnh và niềm tin trong mắt công chúng.
Link nội dung: https://nguoinoitieng.net/nhung-y-kien-cua-chuyen-gia-dien-gia-ve-viec-sao-ke-tu-thien-cua-nghe-si-a81922.html