Rời Canada khi mới 20-21 tuổi, tại sao anh lại chọn Việt Nam là nơi lập nghiệp?
Lý do chính xác về quyết định sang Việt Nam để lập nghiệp phải kể đến chuyến du lịch ở Việt Nam của tôi vào năm 2005. Khi đó, ở Canada, mọi thứ đều đã được xây dựng, và tôi đã tự hỏi bản thân rằng: "Ở Canada còn cơ hội nào cho tôi?".
Trong khi đó, Việt Nam lại khác hoàn toàn. Thời điểm đó, Việt Nam có rất ít các tòa nhà cao tầng, trung tâm mua sắm hiện đại, hay các khách sạn sang trọng. Là một người kinh doanh bất động sản, Việt Nam như một cơ hội mà tôi cần phải nắm bắt. Tôi đã nghĩ rằng, ít nhất trong 30-50 năm tới, Việt Nam sẽ còn rất nhiều tiềm năng phát triển, nên tôi nghĩ tại sao mình không bắt đầu từ đây.
Chưa kể, Việt Nam thời điểm đó mới gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã có rất nhiều cuộc thảo luận về cải cách kinh tế và cơ hội trong lĩnh vực bất động sản. Đặc biệt, Việt Nam giống như một nơi ẩn chứa những cơ hội vô cùng lớn. Vì vậy, khoảng một năm sau chuyến du lịch, tôi đã trở lại Việt Nam và bắt đầu sự nghiệp của mình.
Bố mẹ anh cảm thấy thế nào khi họ biết anh quyết định chuyển đến Việt Nam?
Bố mẹ đều nghĩ tôi bị điên (cười). Lúc đầu, tôi chỉ định sang Việt Nam trong 2 tuần để gặp gỡ và làm việc với một số nhà tuyển dụng. Sau đó, CEO Indochina Capital, ông Peter Ryder đã đề nghị cho tôi một công việc và muốn tôi đi làm ngay ngày hôm sau. Tuy nhiên, ông Peter có một yêu cầu, nếu tôi muốn có công việc này, tôi sẽ không thể về Canada.
Vì vậy, tôi đã gọi cho bố mẹ, và xin lỗi họ, nói với họ rằng, tôi sẽ làm việc ở Việt Nam và sẽ không quay về Canada nữa. Bố mẹ tôi đã vô cùng sốc.
Thời điểm đó, Đà Nẵng là một nơi vô cùng xa lạ với họ. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đó, bố mẹ tôi đã có dịp ghé thăm Việt Nam và trở nên yêu quý nơi này. Thế nhưng, cho đến bây giờ, mỗi khi nói chuyện điện thoại với mẹ, bà luôn mong muốn tôi trở lại Canada và mong muốn của bà chưa bao giờ thay đổi. Có lẽ một ngày nào đó, tôi có thể thay đổi suy nghĩ của mẹ và khiến bà vui vẻ với quyết định của tôi, nhưng hiện giờ tôi vẫn chưa làm được (cười).
Tại sao anh lại chọn bất động sản? Ngành này có gì thu hút anh đến vậy?
Thành thật mà nói, khi còn là một cậu bé, tôi không biết chính xác mình muốn trở thành người như thế nào. Thế nhưng, vì bản thân sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, bố mẹ là người nhập cư, nên tôi biết chắc một điều: Mình muốn trở nên giàu có.
Tình cờ, một người họ hàng đã tặng tôi một quyển sách của tỷ phú Donald Trump. Ở những trang đầu tiên, cuốn sách nói rằng, 90% triệu phú và tỷ phú trên thế giới đều đến từ lĩnh vực bất động sản. Lúc đó, tôi nghĩ mình cũng có thể làm được như họ (cười).
Điều mà tôi yêu thích trong lĩnh vực này, là khi một dự án được hoàn thành, tôi có thể nhìn và cảm nhận được chính thành quả của mình. Sau này, khi lái xe cùng các con, tôi có thể tự hào mà nói rằng "bố của con đã góp một phần công sức để xây dựng toà nhà này". Điều đó thực sự quan trọng với tôi.
Lý do tôi bị thu hút với ngành bất động sản, là lĩnh vực này không chỉ đơn giản là giao dịch giấy tờ hay làm việc với những con số mỗi ngày, mà khi tất cả công việc được hoàn thành, chúng ta có một sản phẩm để nhìn lại. Thậm chí, thành quả sẽ tồn tại lâu hơn cả tuổi thọ của tôi.
Bên cạnh đó, tôi là người có khả năng giao tiếp tương đối tốt, và tôi luôn có khao khát kinh doanh. Tôi biết rằng, nếu tôi có thể có thể kinh doanh bất động sản, tôi sẽ kiếm được nhiều tiền. Vì vậy tôi yêu và tìm đường vào ngành bất động sản kể từ đó.
Đến Việt Nam chỉ với 800 USD và đạt được thành quả như ngày hôm nay, anh đã trải qua những thử thách và khó khăn gì?
Điều khó khăn nhất là tin rằng bản thân mình đang ở đúng nơi, đúng thời điểm. Bởi lẽ, lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi đã đối mặt với rất nhiều thử thách. Đặc biệt là việc xa nhà khi còn trẻ, phải làm quen với một đất nước mới, cách làm việc mới.
Lúc đó, tôi chịu trách nhiệm bán căn hộ tại dự án Hyatt Regency Đà Nẵng và Indochina Plaza (IPH). Thêm vào đó, một chàng thanh niên 22-23 tuổi phải quản lý khoảng 30 nhân viên, hầu hết đều lớn tuổi hơn mình, và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về kết quả kinh doanh, điều này khiến tôi rất mệt mỏi và áp lực.
Chưa kể, kinh tế Việt Nam thời điểm đó đang ở tình trạng suy thoái, lãi suất và lạm phát đều trên 20%, tiền đồng mất giá nên có rất nhiều trở ngại. Mặc dù vậy, tôi hài lòng với mọi thử thách mà tôi phải đối mặt trong suốt chặng đường sự nghiệp. Chính những khó khăn đó mới khiến tôi trở thành người như ngày hôm nay. Khi nhìn lại toàn bộ quãng đường mình đã đi, điều đó thật khó khăn nhưng chắc chắn đó là một quyết định đúng đắn.
Khoản đầu tư thành công nhất mà anh đã thực hiện là gì?
Đối với tôi, khoản đầu tư thành công nhất mà tôi có được chính là bản thân mình. Thời điểm tôi còn làm việc tại Indochina Capital vào năm 2009, tôi dành ra 14 giờ/ngày ở văn phòng rồi về nhà chăm con. Sau đó, tôi học đến 2-3 giờ sáng. Tôi đã lặp đi lặp lại những việc này trong khoảng thời gian rất dài. Mặc dù rất bận nhưng tôi luôn cố gắng tham gia các lớp học bất động sản càng nhiều càng tốt. Tôi sử dụng tất cả những kiến thức đã học để tiếp tục phát triển, trau dồi kinh nghiệm trong công việc kinh doanh và nâng cao vị trí của mình trong công ty. Đó là một khoản đầu tư đúng đắn và tuyệt vời.
Còn về đầu tư tài chính, khoản đầu tư tốt nhất của tôi có lẽ không phải là bất động sản. Tôi có đầu tư bất động sản, kết quả đem lại tương đối tốt. Nhưng một trong những khoản đầu tư tốt nhất mà tôi thực hiện lại ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Tôi thích bất động sản và thường không mấy quan tâm đến cổ phiếu. Nhưng xét về tỷ lệ lợi nhuận thì thị trường chứng khoán rất tốt. Cho nên, tôi đã đầu tư tiền vào Indochina Capital, đây là một khoản đầu tư tuyệt vời.
Vậy anh đã học được gì khi đầu tư vào những lĩnh vực không phải bất động sản?
Tôi đã từng thử bước ra khỏi lĩnh vực là thế mạnh cốt lõi của bản thân (bất động sản-PV) và đầu tư vào những lĩnh vực mà tôi không chuyên. Tôi đã cố gắng tham gia vào lĩnh vực kinh doanh khác với suy nghĩ rằng tôi giỏi cái này thì tôi cũng giỏi cái đó. Tôi đã từng rất hào hứng với việc ai đó nảy ra ý tưởng và tôi sẽ đầu tư. Đương nhiên, những công việc đó thường sẽ không thành công nếu tôi không hiểu rõ về nó.
Bạn có thể là nhà phát triển bất động sản giỏi nhất thế giới nhưng không có nghĩa là bạn có thể điều hành một nhà hàng hay kinh doanh một cửa hàng quần áo. Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta chỉ nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà mình biết. Nếu bạn không biết thì hãy đầu tư vào một người thực sự hiểu nó hoặc không tham gia.
Điều mà tôi cố gắng làm trước tiên là thu thập thông tin về vấn đề mà tôi quan tâm càng nhiều càng tốt, cốt để đảm bảo rằng tôi có đủ kiến thức về vấn đề đó. Một khi có được tất cả thông tin cần thiết, tôi sẽ có thể đưa ra quyết định nhanh chóng. Quyết định đó đúng hay sai không quan trọng, quan trọng là bạn có thể đưa ra quyết định.
Điều tồi tệ nhất là việc không đưa ra quyết định, vì người ta sẽ không tôn trọng bạn vì điều đó. Và khi bạn đưa ra quyết định thì hãy dốc hết sức lực, đừng đi kiểu 1 chân vào và 1 chân ra. Việc đi nửa đường rồi dừng lại là việc vô cùng tệ và không một ai thích hết.
Làm thế nào một người có thể trở nên giàu có mà không nhất thiết phải trở thành một ông chủ?
Tôi không nghĩ rằng trở thành ông chủ đồng nghĩa với việc trở nên giàu có. Có nhiều người rất giàu dù chỉ là nhân viên. Bạn có thể trở thành một nhân viên tuyệt vời, đầu tư tiền của bạn thực sự tốt và vẫn trở nên giàu có, hơn một anh chàng mải miết điều hành công việc kinh doanh của riêng mình mà cuối cùng lại phá sản.
Có rất nhiều cách để kiếm tiền cho dù bạn là nhân viên hay ông chủ. Điều quan trọng không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền mà là bạn sẽ làm gì với số tiền khi bạn có được nó. Tôi nghĩ điều đó mới là yếu tố quyết định bạn có trở nên giàu có hay không.
Theo anh, yếu tố nào quan trọng nhất khi khởi nghiệp?
Từ những trải nghiệm của bản thân, sự kiên nhẫn, bền bỉ là tất cả những yếu tố quan trọng nhất đối với khởi nghiệp. Việc khởi nghiệp có thể vui vẻ trong 6 tháng đầu tiên, nhưng thực tế, sau khoảng thời gian đó, khó khăn mới thực sự xuất hiện. Do đó, đối với những doanh nhân muốn tham gia vào các công ty khởi nghiệp vào thời điểm này, đừng chỉ hình dung ra tất cả những ngày tốt đẹp với số tiền bạn sẽ kiếm được.
Bạn nên chuẩn bị tinh thần để đối mặt với những "bài kiểm tra" căng thẳng nhất mà bạn từng biết. Nó sẽ khó hơn bất cứ điều gì bạn từng làm, nó sẽ lấy năng lượng từ bạn hơn bất cứ thứ gì từng lấy năng lượng từ bạn. Khởi nghiệp sẽ thử thách sự tự tin và cách bạn nhìn lại bản thân mình.
Khởi nghiệp có thể khiến bạn cảm thấy bản thân như một "siêu sao" vào một ngày nào đó, nhưng cũng sẽ khiến bạn cảm thấy hoang mang khi công ty hoạt động không tốt. Bởi vì, quyết định khởi nghiệp nghĩa là bạn phải chấp nhận nó sẽ liên tục đưa bạn lên cao rồi sau đó lại kéo bạn xuống. Chỉ cần bạn đừng quá mơ mộng, cũng đừng quá tiêu cực, giữ mọi thứ ở mức vừa phải và ổn định, thì chắc chắn bạn sẽ gặt hái được thành quả.
Vậy việc kiếm được 1 triệu USD trước 35 tuổi có khả thi không?
100% có thể. Quan trọng nhất là bạn cần đến đúng nơi, đúng thời điểm. Thứ hai, bạn phải thực sự chăm chỉ. Thứ ba, bạn phải là người chấp nhận rủi ro.
Tôi biết rất nhiều người khi bắt đầu kinh doanh sẽ thường sợ hãi, kiểu như không muốn bán hàng, không muốn bị la mắng, không muốn bị áp lực KPI mỗi ngày. Nếu muốn thắng lớn, bạn phải sẵn sàng thua lớn, bạn không thể ở trong vùng an toàn và mong muốn kiếm được nhiều tiền.
Với những người chỉ muốn làm việc từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều, thích về sớm, thì việc kiếm nhiều tiền có thể sẽ khó khăn hơn nhiều. Trừ khi bạn thực sự là nhà đầu tư tiền điện tử giỏi, hay gì đó đại loại thế.
Có thể sẽ khó khăn, nhưng nếu bạn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, làm việc chăm chỉ, thì chỉ cần thêm một chút may mắn và thời gian, rất có thể bạn sẽ kiếm được 1 triệu USD thậm chí nhiều hơn nữa ở tuổi 35.
Theo Trí Thức Trẻ
Link nội dung: https://nguoinoitieng.net/coo-indochina-capital-tro-thanh-trieu-phu-nho-bat-dong-san-o-viet-nam-nhu-the-nao-a83607.html