Đến năm 2013, sau khi Tim Cook đề nghị, hội đồng quản trị Apple mới thêm một điều khoản mới vào thỏa thuận thù lao của ông. Cụ thể, 1/3 khoản thưởng cổ phiếu phải dựa trên diễn biến lợi nhuận Apple trong tương quan so sánh với các doanh nghiệp niêm yết khác thuộc chỉ số S&P 500.
Nếu chỉ số lợi nhuận cho nhà đầu tư (TSR) của Apple không nằm trong top 3 của S&P, Tim Cook sẽ không nhận được phần thưởng trong năm đó. Tim Cook không đạt chỉ tiêu đúng một lần vào năm 2013.
Tiền thưởng đi đôi với áp lực
Theo Fortune, Tim Cook là trường hợp hiếm hoi vào danh sách này vì không có nhiều CEO công nghệ trở thành tỷ phú nếu bản thân không phải nhà sáng lập, nhờ khoản cổ phiếu thưởng hậu hĩnh.
Dù vậy, khoản thưởng kéo dài đến 10 năm của Tim Cook cũng buộc ông phải suy nghĩ dài hạn và cống hiến nhiều hơn nữa cho Apple thay vì chỉ đơn giản là tiếp nối những thành công của Steve Jobs.
Thực tế đã cho thấy từ khi Cook trở thành CEO vào năm 2011 đến nay, cổ phiếu Apple đã tăng hơn 1.200% và giá trị thị trường cũng tăng 2,2 nghìn tỷ USD.
Tổng số tiền mà Tim Cook nhận được sau khi tính cả tiền lương, phần thưởng cổ phiếu cùng các khoản thưởng khác vẫn chỉ chiếm chưa đến 0,1% giá trị của Apple.
Theo Fortune, hiệu quả làm việc của Tim Cook trong suốt 11 năm qua đã chứng minh rằng ông xứng đáng với số tiền này. Do đó, năm 2021, ông tiếp tục nhận được gói cổ phần dài hạn trị giá 82,3 triệu USD với cổ phần được trao từ năm 2023-2025, đồng nghĩa với việc Tim Cook sẽ vẫn nhận được những khoản thưởng để ông ngồi ghế CEO Apple cho tới thời điểm đó.
Nếu tiếp nối được những thành công như trước đây, Cook sẽ chứng minh được rằng khoản bồi thường cho CEO như thỏa thuận với Apple là hoàn toàn đúng đắn. Ngược lại, nếu hiệu suất làm việc kém, vị CEO sẽ vướng phải những tranh cãi cho rằng ông phất lên chỉ là nhờ may mắn, Fortune nhận định.