Nằm cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 70 km về phía nam, chùa Địa Tạng (thôn Ninh Trung, xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) nằm trọn trong lòng dãy núi Phi Lai. Chùa Địa Tạng (trước đây gọi là chùa Đùng) được xây dựng vào thế kỷ 10 với quy mô 120 gian.
Vua Trần Nghệ Tông từng có thời gian về đây ở ẩn. Giai đoạn này, vua tin dùng Lê Quý Ly khiến quyền lực của nhà Trần ngày càng suy yếu. Sau khi Trần Nghệ Tông mất 5 năm, Lê Quý Ly soán ngôi nhà Trần và lên ngôi vua lập ra nhà Hồ.
Nơi đây từng bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng. Tháng 12/2015, Đại đức Thích Minh Quang về tiếp nhận, tu tạo, xây dựng và đổi tên chùa thành Địa Tạng Phi Lai.
Ngay trước Tổ đường của chùa, 12 vòng tròn được vẽ trên nền sỏi tượng trưng cho 12 nhân duyên của con người. Khác với những nơi khác, phần sân trước khuôn viên chùa được trải sỏi màu trắng. Sỏi trắng mang ý nghĩa của sự thiền định, dạo quanh khuôn viên, nhìn những viên sỏi trắng tinh khiến lòng người trở nên an yên, nhẹ nhàng.
Giống như bố cục của các ngôi chùa truyền thống, Địa Tạng Phi Lai tự có Ban thờ Tam bảo, nhà thờ Tổ, nơi thờ Đức Ông, đức Thánh hiền; nhà ở, giảng đường, nhà khách, nơi ở của phật tử. Cả quần thể ngôi chùa nhìn từ xa như ẩn mình dưới tán lá của những rặng thông cổ. Vị trí sơn thủy địa linh khiến ngôi chùa thêm phần tôn nghiêm, thanh tịnh và linh thiêng.
Với lối kiến trúc cổ độc đáo, không khí trong lành, mát mẻ, nơi đây luôn tạo cho du khách cảm giác yên bình, thanh tịnh.
Chùa Đại Tạng Phi Lai được xây dựng với lối kiến trúc cột chèo truyền thống Bắc Bộ, kết hợp cùng nét đẹp đậm chất hoàng cung, bên trên các chi tiết đều được chạm trổ hoa văn vô cùng tinh tế. Ngôi chùa gợi lên cảm giác thanh tao, thoát tục mà bất kỳ ai có dịp đến đây lễ chùa đều cảm nhận.
Nơi đây còn lưu giữ được nhiều mẫu gạch ngói cổ. Các mẫu gạch ngói được tìm thấy ở nơi đây gồm: Gạch in hình hoa sen, ngói mũi hài, các viên gạch hình rồng, hình thần chim Garuda, bia đá viền khắc hình công phượng và người Việt xưa, cùng nhiều đồ gốm sứ khác. Tháng 8/2018, sau khi về thẩm định, nhà sử học Lê Văn Lan kết luận nơi đây đã xuất hiện các công trình chùa tháp từ thời Tiền Lê (thế kỷ X), thời Lý (thế kỷ XI-XII), thời Trần (thế kỷ XIII-XIV), và những miếng gốm sứ có men, có nền màu trắng, hoa văn màu xanh là đặc trưng màu men thời Lê (thế kỷ XV)”. (Ảnh: Lương Đình Khoa)
Chùa Địa Tạng được mệnh danh là chốn tiên cảnh giữa lòng núi rừng. Bởi vậy, đến chùa, du khách không chỉ có cơ hội vãn cảnh mà còn có thể mang về cho mình một bộ ảnh đẹp đến ngỡ ngàng.
Hành lang chuông gió phía sau chùa là điểm check-in ấn tượng cho các bạn trẻ.
Không chỉ là chốn thờ tự linh thiêng, Địa Tạng Phi Lai tự còn là nơi sinh hoạt tâm linh của người dân trong vùng. Đặt chân đến nơi đây, dường như mọi âu lo, phiền muộn đều tan biến, thay vào đó là cảm giác tự do, tự tại như đang lạc bước vào chốn bồng lai tiên cảnh.