Năm 2001, NSND Thu Hà tốt nghiệp loại xuất sắc chuyên ngành Biên đạo múa tại Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).
Tác phẩm đầu tay mở đường cho sự nghiệp biên đạo múa chuyên nghiệp của Thu Hà là “Tình quê” (âm nhạc: Hữu Thái). Được lấy cảm hứng từ câu ca dao "Râu tôm nấu với ruột bầu/Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”, miêu tả cuộc sống mộc mạc mà hạnh phúc của đôi vợ chồng ở vùng quê nghèo, “Tình quê” đã đoạt Giải Nhì Biên đạo trẻ toàn quốc năm 2001.
Sự thành công của tác phẩm trước hết nhờ những ý tưởng mới, độc đáo, diễn đạt bằng ngôn ngữ múa mà nền tảng là tinh hoa múa dân gian dân tộc. Biên đạo múa Thu Hà đã vận dụng được sự kết hợp giữa cách nghĩ, cách cảm theo tâm lý dân tộc, với tính triết lý thời đại để phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ ngày nay.
Múa là sự thăng hoa đầy ngẫu hứng từ hiện thực nên hành trình của một biên đạo là kiếm tìm sự sáng tạo từ hơi thở cuộc sống. Niềm đam mê mãnh liệt các điệu múa truyền thống luôn thôi thúc chị đi suốt dọc dài đất nước, đến tận những bản làng xa xôi để được tận mắt chiêm ngưỡng những điệu múa mang đậm bản sắc của dân tộc Việt; sưu tầm chất liệu, ngôn ngữ múa và tái hiện chúng trong các tác phẩm của mình.
NSND Thu Hà luôn muốn đem tính nguyên bản, nét đặc trưng vùng miền vào tác phẩm như: thơ múa “Đẻ đất đẻ nước” (âm nhạc nhạc sĩ Việt Thân, Quang Tú) chất liệu dân tộc Mường (đoạt Huy chương Vàng Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc 2009); “Sắc mầu thổ cẩm”, âm nhạc Xuân Thuỷ (đoạt Huy chương Vàng của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và Giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam). Chị chia sẻ: “Để dàn dựng được một tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, tôi đã cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với đồng bào, từ đó “chắt lọc” nét văn hóa đặc trưng vùng miền để đưa vào tác phẩm.
Không chỉ “mạnh” về múa dân gian dân tộc, chị còn là một nữ biên đạo có nhiều tác phẩm múa về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng như: “Đồng chí” (âm nhạc nhạc sĩ Hồ Trọng Tuấn), “Tiểu đội xe không kính” (âm nhạc nhạc sĩ Hoàng Tuấn), lấy cảm hứng từ bài thơ của các nhà thơ Chính Hữu và Phạm Tiến Duật. Hai tác phẩm đó đã thể hiện được sự tinh tế, tính dân tộc hòa quyện tính hiện đại, sự kết hợp chặt chẽ giữa các đường tuyến vũ đạo, khắc họa đậm nét hình ảnh những người lính Trường Sơn trong mưa bom bão đạn mà vẫn kiên cường. “Tiểu đội xe không kính” (âm nhạc nhạc sĩ Hoàng Tuấn) đã đoạt Giải A của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và Huy chương Vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2009.
Tác phẩm "Về miền cát trắng” (âm nhạc nhạc sĩ Hoàng Anh), “Người mẹ Vân Kiều” (âm nhạc nhạc sĩ Xuân Thủy) đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2005 và năm 2009. Những tác phẩm đó là tấm lòng tri ân của nữ quân nhân với các thế hệ cha anh đã dũng cảm quên mình vì sự bình yên của Tổ quốc.
Biên đạo múa Thu Hà luôn ý thức được trách nhiệm nặng nề với nghệ thuật múa dân gian dân tộc. Chị nói: “Biên đạo là một người giàu sáng tạo nhưng dù sáng tạo theo một xu hướng nào đi chăng nữa, thì phải luôn giữ vững 2 yếu tố: Dân tộc và Hiện đại. Dân tộc để không “phôi phai” truyền thống, đánh mất chính mình; Hiện đại để phù hợp với nhịp sống mới, hơi thở mới của thời đại”.
Với hướng đi đúng cùng với sự say mê và sáng tạo không mệt mỏi, chị được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch trao tặng “Biên đạo trẻ xuất sắc” 3 năm liền 2005, 2009, 2013. Năm 2016, chị Nguyễn Thị Thu Hà vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu NSND.
Năng động, nhiệt huyết với công việc, Đại tá, Tiến sĩ, NSND Nguyễn Thị Thu Hà ngoài việc biên đạo các chương trình nghệ thuật phục vụ đất nước, Quân đội, dàn dựng các chương trình cho Nhà trường, chị còn tham gia công tác giảng dạy môn Biên đạo múa dân gian dân tộc tại Học viện Múa Việt Nam, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội…Trong quỹ thời gian ít ỏi, đôi lúc, chị ước một ngày có hơn 24 giờ để có thể làm được nhiều việc nữa.
Bên cạnh đó, chị luôn tích cực nghiên cứu khoa học, là Chủ nhiệm đề tài “Bản sắc văn hóa trong nghệ thuật trình diễn lễ hội hiện đại”; và những nghiên cứu về đề tài “Những nét đẹp bản sắc văn hóa và lễ hội Việt hôm nay”, “Vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa”, “Văn hóa truyền thống trong lễ trưởng thành của người Dao Thanh Y, Hoành Bồ, Quảng Ninh”,“Bảo tồn và phát huy hát dân ca của người Dao Thanh Y ở Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh”…
Hiện tại, chị đang gánh trên vai trách nhiệm lớn là Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật thực hành của Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Trên cương vị một nữ quản lý, NSND Thu Hà đã tích cực phát huy vai trò của đơn vị nghệ thuật biểu diễn, cùng tập thể cán bộ, diễn viên, học viên tham gia dàn dựng, biểu diễn nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ những ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, quân đội.
Thật không hổ danh với danh hiệu “nữ tướng sân cỏ” mà đồng nghiệp của chị đã ví, bởi mỗi chương trình lễ hội quy mô lớn ở nhiều địa phương trong cả nước, chị đều xuất hiện với vai trò là Tổng đạo diễn, hoặc Phó Tổng đạo diễn, điều hành vài nghìn diễn viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Các chương trình lớn như: Seagame và Paragame 22; Năm du lịch Nghệ An,Thái Nguyên,Thái Bình; Festival Hoa Đà Lạt; Festival Biển Vũng Tàu; Lễ hội cội nguồn Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ; Chương trình Pháo Hoa quốc tế Đà Nẵng, Canaval Hạ Long; Chương trình Cồng Chiêng Quốc tế Tây Nguyên… đều có bàn tay chị “phù phép”, để tạo nên một dấu ấn, một thương hiệu mang tên “Hà đồng chí”.
Khối lượng công việc lớn, lịch làm việc và nghiên cứu dày đặc nhưng chị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà cấp trên giao. 3 năm liên tiếp (2012, 2013, 2014) chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân năm 2015.
Nhìn lại những thành tựu của chặng đường cống hiến không mệt mỏi cho nghệ thuật, chúng ta có thể thấy, Đại tá, Tiến sĩ, NSND Nguyễn Thị Thu Hà, người luôn dành trọn đam mê, tình yêu, luôn khao khát đưa nghệ thuật múa đến gần hơn với khán giả. Những giá trị của văn hóa truyền thống đã được chị trân trọng, gìn giữ và chắt lọc, trở thành chất liệu quý giá và nguồn cảm hứng vô tận trong sáng tạo nghệ thuật. Những tác phẩm múa do chị dàn dựng vừa đậm bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Chị thật xứng đáng là một Biên đạo xuất sắc của Quân đội, đầy tài năng và không ngừng sáng tạo./.
Ảnh: NVCC