Chương trình nghệ thuật "Son sắt một niềm tin” - Hành trình văn hóa tri ân và tôn vinh lịch sử

Chương trình "Son sắt một niềm tin" do lớp liên thông Đại học Quản lý văn Hóa 11 của trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức nhằm chào mừng kỷ niệm 78 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1945 - 19/8/2023) và Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2023).

Son Sắt Một Niềm Tin Chương trình "Son sắt một niềm tin" mang đến một trải nghiệm văn hóa nghệ thuật nhân văn và giàu cảm xúc tự hào, không chỉ là một cuộc hội ngộ của văn hóa và nghệ thuật mà chương trình còn là cơ hội nhấn mạnh sự kiên dân tộc và niềm tin của nhân dân, tri ân các anh hùng liệt sĩ đã nằm xuống để đất nước được đứng lên.

Các tiết mục biểu diễn sắp xếp một cách mạch lạc đi từ những giai điệu lịch sử hào hùng đến những sự kiện và kỷ niệm đáng nhớ tri ân thầy cô đã mang đến cho khán giả là các giáo viên, đoàn viên và sinh viên học sinh tham dự những cung bậc cảm xúc tuyệt vời, từ cảm xúc tự hào trước lịch sử nước nhà đến sự nghẹn ngào và dành tình cảm tri ân chân thành cho quý thầy cô đã bồi dưỡng mình bao năm tháng. Tiếp nối không khí đó, trọng tâm của chương trình là vở diễn đặc sắc “Câu hò đất mẹ” đã khiến cả khán phòng cùng lắng đọng cảm xúc và bùi ngùi trước hoàn cảnh câu chuyện với những chiến sĩ anh hùng cách mạng Việt Nam, để lại dấu ấn mạnh mẽ và sự thương cảm trong lòng khán giả.

Son Sắt Một Niềm Tin
Tiết mục biểu diễn Hào khí Việt Nam của chuông vàng Vọng cổ Võ Minh Lâm và Nghệ sĩ ưu tú Lê Hồng Thắm

Những tưởng các phần trình diễn đã kết thúc, chương trình còn sắp xếp một tiết mục thú vị là Giao lưu cùng dàn diễn viên “Câu hò đất mẹ” giúp khán giả được dịp lắng nghe, hiểu thêm về các chi tiết, quá trình phía sau để làm nên vở diễn tuyệt vời này.

Giao lưu cùng dàn diễn viên Câu hò đất mẹ
Giao lưu cùng dàn diễn viên Câu hò đất mẹ

Một số chia sẻ đặc sắc của dàn diễn viên “Câu hò đất mẹ”:

Để có được một vở diễn trọn vẹn và thành công, người nghệ sĩ cần dành hết sự quan tâm và suy nghĩ để mang lại cách diễn thấy đáo, Nghệ sĩ Như Huỳnh chia sẻ bản thân đã xin phép đạo diễn để có thể sử dụng tiếng mẹ đẻ trong vai diễn của mình, nhờ đó mà thể hiện chân thật nhất, đưa khán giả cảm nhận được cái hồn của nhân vật chứ không phải chỉ là một vai diễn. Không chỉ nghĩ về cách diễn, về lời thoại, mà còn phải chấp nhận các hình thức hy sinh về thể xác để diễn được tròn vai, Nghệ sĩ Mai Dũng chia sẻ rằng anh đã phối hợp bạn diễn dùng sức trong các cảnh tra tấn để giúp diễn viên Như Huỳnh trong vai Nguyễn Thị Minh Khai nhập tâm và cùng cảm thấy sự khốc liệt của chiến sĩ cách mạng. Những cống hiến hết mình vì nghệ thuật như vậy đã làm nên tuyệt tác, nhưng mấy khi người Nghệ sĩ để lộ cho khán giả nhìn thấy, họ âm thầm thực hiện và chỉ đưa đến khán giả những vở diễn hoàn hảo nhất.

Ngoài ra, sự khó khăn của biểu cảm tiết chế trong vở chính kịch của các nghệ sĩ hài như nghệ sĩ Mai Dũng và Kim Tuyết đã khiến sự chân thật cá tính của nhân vật được hóa thân trọn vẹn và nhiều lúc nghệ sĩ Kim Tuyết quá nhập tâm đến mức cất tiếng “Hò ơ” vang vọng vì nhớ đến bối cảnh trong vở diễn. Để tròn vai diễn cần phải nhập tâm, vậy nên có thể nói khi tham gia một vở diễn thì người nghệ sĩ đã trải qua trọn cung bậc cảm xúc trong những thời khắc quan trọng của nhân vật.

Một vở diễn thành công cần sự đồng điệu và phối hợp hoàn hảo từ tất cả cá nhân, Đạo diễn Hoàng Duẩn đã có sự sáng tạo độc đáo cho vở diễn từ chất liệu Hát Bội để đưa vào vở kịch điều khiến vở diễn và diễn viên thăng hoa, nâng cao năng lực diễn xuất và được hội đồng giám khảo chấm giải vàng liên hoan kịch nói toàn quốc lần thứ 2 và giải thưởng đạo diễn xuất sắc nhất. Đạo diễn chia sẻ rằng: “Nhân vật lịch sử cũng là những con người giàu lòng yêu thương làm cách mạng : yêu đất nước, quê hương, gia đình, nhưng họ hơn người thường ở suy nghĩ cho dân tộc, tổ quốc và bà con nhiều hơn người bình thường đôi chút.... trái tim cũng đầy rung cảm như thế hệ trẻ hiện nay, chứ không quá xa vời, khô khan như thế hệ trẻ vẫn nghĩ về cách mạng và về các anh hùng, nên các vở diễn gần gũi không hề khô khan và đạo diễn muốn lan toả vở diễn đi xa hơn đến các trường, các hội đoàn phụ nữ và thanh niên.”

Tiến sĩ Huỳnh Công Duẩn - đạo diễn vở diễn "Câu hò đất mẹ"

Tiết mục giao lưu được hưởng ứng nhiệt liệt với những câu hỏi tương tác thú vị giữa sinh viên và giáo viên cùng các diễn viên, sự tương tác 2 chiều đưa khán giả cùng trải qua các tình huống, các khó khăn cũng như những khoảnh khắc hậu trường đáng nhớ của các diễn viên.

Nhiều khán giả tham dự đã không khỏi rơi nước mắt tuy chỉ xem vỏn vẹn vài trích đoạn trong khuôn khổ vở diễn, chị Khưu Ngọc Bích Thư - phó giám đốc trung tâm văn hoá quận 5 đi cùng con nhỏ 13 tuổi chia sẻ : " Xem xong vở diễn bé tiếc hỏi sao không được xem hết vở, chị thấy mừng khi con gái chị thấy hứng thú với vở diễn, là một người mẹ chị và con cảm động sâu sắc với tình  mẫu tử và các phân đoạn xúc động trong vở diễn". Thông qua các chia sẻ này từ ekip diễn viên và bạn tổ chức, các hoạt động ý nghĩa như vầy, bạn tổ chức hy vọng người trẻ yêu nghệ thuật cũng là các sinh viên, học sinh có cơ hội học hỏi cách làm nghề và cống hiến cho nghệ thuật, cho lý tưởng và niềm tin yêu đất nước của  các bậc tiền nhân, tiếp cận đến nghệ thuật văn hóa và lịch sử nước nhà vừa gần gũi dễ hiểu, vừa chủ động hơn.

Phỏng vấn cùng khán giả
Ban tổ chức tặng hoa cho ekip vở diễn Câu hò đất mẹ

Trong không gian ấm cúng của Hội trường C, khán giả được chứng kiến những màn biểu diễn nghệ thuật độc đáo và cuốn hút. Những tiết mục đa dạng từ âm nhạc, múa, diễn xuất cho đến thể hiện nghệ thuật trực quan sẽ đan xen và tạo nên một buổi biểu diễn đầy màu sắc và cảm xúc.

"Son sắt một niềm tin" không chỉ là việc kết hợp các tài năng nghệ thuật xuất sắc mà còn là một thông điệp sâu sắc về niềm tin chiến thắng của lịch sử. Khán giả được chứng kiến câu chuyện thể hiện qua những cảm xúc chân thành, âm nhạc tinh tế và những tiết mục đầy ấn tượng.

Ảnh: BTC

Link nội dung: https://nguoinoitieng.net/chuong-trinh-nghe-thuat-son-sat-mot-niem-tin-hanh-trinh-van-hoa-tri-an-va-ton-vinh-lich-su-a94033.html