Sinh viên Nhân văn Khởi nghiệp cùng với Trí tuệ nhân tạo

Ngày 23/9 vừa qua, Học viện Kỹ năng VTALK kết hợp cùng trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, CLB Nhân văn khởi nghiệp - Sáng tạo xã hội tổ chức thành công buổi Talkshow với chủ đề “Người Nhân văn khởi nghiệp cùng với Trí tuệ nhân tạo USI – AI”. Chương trình diễn ra với sự tham dự của hơn 200 bạn sinh viên đến từ nhiều nhóm ngành khác nhau và đa dạng từ sinh viên năm nhất đến năm tư.

Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên và Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK chia sẻ tại chương trình

Đến chia sẻ tại chương trình, Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên – Chủ tịch Công ty Phát triển Hành trang Việt, Giám đốc Đào tạo Học viện Kỹ năng VTALK, đồng thời là Cựu sinh viên Khoa Văn học trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn cho biết: “Mặc dù sinh viên Nhân văn không có quá nhiều thế mạnh về công nghệ, nhưng sinh viên Nhân văn có nhiều ưu điểm vượt trội khác để tận dụng tiềm năng của công nghệ và AI nhằm phát huy tối đa khả năng của mình”. Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên cũng cho rằng: “Hiện nay rất nhiều bạn trẻ lo lắng các công việc tương lai sẽ dần bị thay thế bởi AI, tuy nhiên chị chắc chắn rằng những công việc mang tính tương tác hay cảm xúc sẽ khó có máy móc nào thay thế được con người”.

Trái ngược với quan điểm trên, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NGroup, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK cho rằng: “Về mặt nguyên lý hoạt động, chắc chắn các AI trong tương lai sẽ được huấn luyện để có thể đáp ứng những yêu cầu mà Diễn giả Áo dài đề ra, miễn là cơ sở dữ liệu đủ nhiều”. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam cũng ví dụ thêm: “Giống như việc các bạn sinh viên khoa Tâm lý của Nhân Văn đang học rất nhiều các dấu hiệu, phương pháp để có thể trị liệu cho thân chủ. Vậy thì với một lượng data đủ lớn, và máy cũng học được các quy tắc để phân tích giọng nói, nét mặt, cử chỉ, biểu cảm,… của thân chủ như các bạn - thì về mặt lý thuyết AI có thể thay thế một người trị liệu tâm lý hay một người bạn chia sẻ buồn vui”.

Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên trực tiếp xuống giao lưu và thị phạm cho sinh viên kỹ năng sử dụng “giọng bụng” thay “giọng cổ” – kỹ năng mà AI khó có thể thay thế giáo viên

Buổi Talkshow liên tục được phản biện và tranh luận hết sức cao trào với nhiều góc nhìn hết sức thiết thực. Một bên đại diện cho những kỹ năng của con người không thể bị thay thế và một bên đại diện cho sự tiến bộ của khoa học công nghệ nhân loại. Đặc biệt hơn, để chứng minh cho tính thuyết phục trong lĩnh vực đào tạo của con người, Diễn giả Áo dài Võ Thị Mỹ Duyên đã trực tiếp đi xuống sân khấu để thị phạm và “thách đố” phe đề cao trí tuệ nhân tạo bằng việc hướng dẫn trực tiếp một bạn sinh viên cách sử dụng giọng cổ và giọng bụng khác nhau như thế nào. Chắc hẳn với công nghệ hiện tại, việc đào tạo chuyên sâu như vậy AI chưa thể thay thế được, nhưng chúng ta kỳ vọng rằng AI sẽ đủ giỏi để học theo cách giảng dạy, thị phạm từ các chuyên gia trong tương lai.

Kết thúc chương trình, cả hai diễn giả đều đồng ý rằng trí tuệ nhân tạo chỉ là công cụ giúp con người giải quyết công việc và đạt được đời sống tốt hơn. AI phát triển tới đâu đều phụ thuộc vào khả năng sáng tạo và nhu cầu của con người. Khi cả thế giới đều nói về AI thì các bạn sinh viên có thể nghĩ thêm về các công việc bổ trợ ngành này thay vì chỉ chạy theo xu hướng.

Các bạn Sinh viên Nhân văn chụp hình lưu niệm cùng các Diễn giả và Ban tổ chức chương trình

Theo ông Nguyễn Thành Gia - Chủ nhiệm CLB Nhân văn khởi nghiệp - Sáng tạo xã hội chia sẻ: “Là BTC chương trình, chúng tôi thật sự đã rất lo lắng khi tổ chức chủ đề về kinh tế - khởi nghiệp, công nghệ và trí tuệ nhân tạo cho sinh viên, đặc biệt lại là sinh viên Nhân văn. Tuy nhiên, buổi talkshow đã cho thấy không khí hào hứng và tư duy tiếp cận cái mới của các bạn hết sức cầu tiến. Hy vọng đây sẽ là cơ hội cho các bạn nung nấu ý tưởng khởi nghiệp và hiện thực hoá ý tưởng của mình, và thông qua CLB Nhân văn khởi nghiệp - Sáng tạo xã hội – các bạn sẽ được hỗ trợ tốt hơn về định hướng cũng như cố vấn các chiến lược phù hợp cho các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của mình”.

Đặc biệt ngay tại buổi chia sẻ, ông Mai Nguyễn Hoàng Nam – Chủ tịch Công ty Cổ phần Tập đoàn NGroup, Giám đốc Điều hành Học viện Kỹ năng VTALK đã “cao hứng” trao tặng suất học bổng VTALK trị giá 9.000.000 đồng trong một thử thách cho sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến trí tuệ nhân tạo khả thi và được toàn hội trường hứng thú nhất. Ông Mai Nguyễn Hoàng Nam kỳ vọng rằng đây sẽ là món quà nhỏ đầy ý nghĩa giúp cho chặng đường hành trang của các bạn sinh viên Nhân văn được trang bị đầy đủ hơn, lợi thế hơn nhằm thích ứng tốt hơn trong quá trình tuyển dụng và khởi nghiệp sau này.

Hy vọng rằng với những lợi thế vốn có của mình, cũng như những kiến thức chia sẻ vô cùng bổ ích từ hai diễn giả, các bạn sinh viên Nhân văn đã trang bị được cho mình thêm nhiều hành trang quý giá và có thể chuẩn bị tốt hơn cho tương lai khởi nghiệp và tuyển dụng của mình.

Huyền My

Link nội dung: https://nguoinoitieng.net/sinh-vien-nhan-van-khoi-nghiep-cung-voi-tri-tue-nhan-tao-a94634.html