Đã có những dòng vốn đầu tư mới đổ vào Việt Nam ngay sau khi dịch COVID-19 được dần kiểm soát, kinh tế mở cửa trở lại. Bởi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài, dịch bệnh chỉ làm gián đoạn tạm thời hoạt động kinh doanh và Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn.

Nhiều gương mặt mới vào Việt Nam

Chỉ sau hai tuần khi TP.HCM nới lỏng giãn cách xã hội vào đầu tháng 10, một tập đoàn năng lượng tái tạo hàng đầu trên thế giới đã chính thức tham gia đầu tư vào Việt Nam. Đó là Tập đoàn EDF Renewables của Pháp.

Ông lớn năng lượng này đã công bố quyết định đầu tư vào Công ty SkyX Energy, nhà cung cấp giải pháp điện mặt trời áp mái chuyên phân khúc công nghiệp và thương mại, công ty thành viên của Tập đoàn VinaCapital. Đây cũng là đơn vị chủ quản của nhà phát triển điện mặt trời áp mái SkyX Solar.

Dù giá trị thương vụ đầu tư chưa được tiết lộ cụ thể nhưng SkyX Solar tuyên bố trong vòng 2-3 năm tới, dự kiến sẽ đầu tư ít nhất 100 triệu USD. Mục tiêu nhằm phát triển thêm 200 MWp điện mặt trời áp mái phục vụ khách hàng thương mại và công nghiệp tại Việt Nam.

Ông Yalim Ozilhan, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của EDF Renewables, nhận định: Năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực có tiềm năng phát triển rất lớn tại Việt Nam. Với thế mạnh về giải pháp điện mặt trời áp mái trên toàn cầu, EDF rất quan tâm và mong muốn đầu tư mở rộng phạm vi hoạt động của mình tại thị trường này.

Không chỉ ông lớn năng lượng Pháp, Hayat – một trong những gã khổng lồ trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh của Thổ Nhĩ Kỳ cũng vừa chính thức công bố đầu tư vào Việt Nam. Đây là nhà sản xuất tã trẻ em lớn thứ năm trên thế giới với hơn 40 công ty thành viên và hơn 17.000 nhân viên hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu.

Trước đó, để chuẩn bị cho quyết định đầu tư vào nước ta, ông lớn này nghiên cứu thị trường nhiều năm và đầu tư khoảng 250 triệu USD. Nhà máy của tập đoàn này tọa lạc tại Khu công nghiệp Becamex Bình Phước.

Đáng chú ý, công ty đặt mục tiêu sở hữu 30% thị phần ngành hàng tã trẻ em tại Việt Nam vào năm 2025. Ngoài đầu tư sản xuất tã giấy cho em bé, ông lớn này còn có kế hoạch đầu tư vào nhà máy khăn giấy và nhà máy sản xuất chất tẩy rửa. Chia sẻ với báo chí, ông Cetin Murat, Tổng giám đốc Hayat Việt Nam, nói: “Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để đầu tư và hỗ trợ chúng tôi mở rộng thị trường tại khu vực ASEAN”.

Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền vào Việt Nam - ảnh 1
Bất chấp các tác động của dịch bệnh, Việt Nam đang là cứ điểm sản xuất điện thoại, máy tính… trên toàn cầu của Samsung. Ảnh: PM 

Những dấu hiệu khả quan

Sau khi phân tích các số liệu trong chín tháng đầu năm nay, Ngân hàng Thế giới (World Bank)đánh giá các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn.

Trong giai đoạn khó khăn, giãn cách nghiêm ngặt có thể có một số công ty đầu tư nước ngoài rút khỏi hay chuyển đơn hàng sang nước khác. Đây là kịch bản không quá khó lường vì đầu tư trong thời kỳ đại dịch hoành hành là một thách thức lớn đối với các nhà đầu tư trên toàn cầu.

Thế nhưng, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn. Lý do là nước ta có vị trí chiến lược đối với lĩnh vực xuất khẩu với hiệu suất cao cùng bệ đỡ lao động có kỹ năng, nhân lực được đào tạo tốt, đặc biệt là sở hữu nhiều hiệp định thương mại tự do.

Chúng ta đã nhìn thấy trong chuyến công tác tới Mỹ mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến các lễ ký kết, trao đổi hợp tác giữa các tập đoàn đa quốc gia với các công ty trong nước nhằm triển khai các dự án đầu tư vào Việt Nam. Đáng chú ý, có thỏa thuận hợp tác triển khai chuỗi dự án lênđến trên 20 tỉ USD.

Rõ ràng đã có sựchuyển dịch lớn với các nguồn lực khổng lồ muốn đổ vào Việt Nam! Ngoài ra, có một sự lạc quan khác là các nhà đầu tư Mỹ đang rất quan tâm đến lĩnh vực y tế và trang thiết bị y tế tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế và dư địa rất lớn trong lĩnh vực này.

TS Võ Trí Thành/PLO