Người Nổi Tiếng
Trang tin tức giải trí, tiểu sử người nổi tiếng

Trầm cảm của người trẻ – Ai cứu họ?

Hôm nay, PV Nguoinoitieng.net đã liên hệ phỏng vấn nhà văn trẻ Lê Nguyễn Nhật Linh để cùng lắng nghe chia sẻ quan điểm của một người trẻ về trầm cảm trong bối cảnh hiện nay.


Chào Nhật Linh, bạn có suy nghĩ gì về người trẻ trong xã hội hiện đại? Cuộc sống có tàn khốc đến mức tỉ lệ những người trẻ trầm cảm ngày càng gia tăng?
Không thể đánh đồng tất cả nhưng khá nhiều người trẻ bây giờ rất dễ rơi vào trạng thái quá chơi vơi giữa cuộc đời, họ đánh mất phương hướng và ngã chìm vào những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực. Chính tôi cũng đã phải đi qua những tháng năm tồi tệ để mong không ai còn mất thăng bằng như mình đã từng nữa. Xã hội càng hiện đại, nhịp sống càng hối hả vội vã trầm cảm là một bóng tối mà ai cũng có thể vô tình mắc kẹt, đừng thờ ơ với người khác càng đừng bỏ bê chính mình. Đó là thông điệp mà hôm nay tôi muốn truyền tải!
Theo bạn có phải là do ảnh hưởng từ việc xã hội quá hiện đại, tiên tiến dẫn đến con người ít tương tác trực tiếp hơn và đi đến trầm cảm không?
Sự đơn lẻ lâu dần mất kết nối và trở nên đơn độc cũng là một con đường tắt dẫn đến trầm cảm, tuy nhiên trầm cảm có rất nhiều cấp độ, giai đoạn và diễn biến khác nhau, mỗi người sẽ có những nguyên cớ, hoàn cảnh, tình huống, xung đột khác nhau dẫn đến trạng thái bất cân đối tinh thần, và không may trượt dài trong tiêu cực luẩn quẩn. Trầm cảm có thể là giữa biển người xa lạ, ta cười nhưng lòng muốn khóc, ngày ngày chịu được rồi đến một ngưỡng quá sức sẽ kiệt quệ tinh thần, không thể chống đỡ được nữa, vì thế tình trạng này là một sự báo động đỏ, sự quan tâm đúng lúc vừa vặn với nhau sẽ giúp những người trầm cảm tự cứu lấy chính họ, không đánh mất chính mình, từ bỏ hy vọng và sự sống.
Bạn chắc đã biết thông tin về sự việc đau lòng gần đây khi một sinh viên năm nhất Đại học chọn lựa cái chết, không ai hiểu vì sao, nguyên nhân gì để dẫn đến kết cục như vậy. Bạn có nghĩ rằng sự chịu đựng của nhiều người trẻ quá non nớt trước biến động cuộc đời hay không?
Trầm cảm có nhiều cấp độ và nguyên nhân, mỗi chúng ta là một cá thể khác nhau, sự chịu đựng hay nhẫn nại của chúng ta đều có các hạn mức ngưỡng đo khác nhau, với người này điều này là bình thường, đối với người khác là kinh khủng, thất bại này là nhỏ nhưng cũng có thể không thể chấp nhận được với người khác. Mọi sự so sánh đều bất hợp lý và không nên, nhiều người trẻ trong xã hội công nghiệp hoá đồ hộp, nước uống đóng chai, màn hình điện thoại, máy tính và mạng xã hội có thể cũng trở nên thờ ơ vô cảm hơn với sự sống, con người, nhưng không phải là tất cả. Vì kể cả chuẩn bị kĩ lưỡng tâm lý, năng lực để bước vào sự trưởng thành và cuộc đời thì cuộc sống này quá nhiều biến số. Không một ai có thể biết trước được những điều gì sẽ xảy ra để có thể chuẩn bị được tất cả – khả năng chống đỡ, vượt qua, bật lên khó khăn…

Theo bạn, ai sẽ là người đóng vai trò là người hỗ trợ chữa trị tốt nhất cho người bị trầm cảm?
Người bị trầm cảm cũng giống như người tự khoá trái cánh cửa lòng họ và tự cầm chặt chìa khoá trong tay. Người đóng vai trò hỗ trợ chữa trị tốt nhất có hai người: một là những người thân bên cạnh, bạn tốt, vợ chồng, thầy cô, đồng nghiệp – bất cứ ai với tất cả sự quan tâm tử tế và chừng mực hãy đóng vai trò gõ cửa! Còn lại chính người trầm cảm phải nỗ lực cầm chìa khoá và mở cửa, tự họ phải cởi bỏ mọi nút thắt rối nhằng trong tâm trí, tự họ cắt dây trói, tự họ muốn tìm thấy ánh sáng và chui bằng được qua đường hầm ẩm tối của cô đơn. Một khi họ càng bỏ mặc bản thân mình họ càng chìm sâu trong thế giới hỗn độn và tối tăm của sự tồi tệ tinh thần!
Là một nhà văn trẻ thành công, lý do nào bạn chọn khai thác đề tài gai góc trầm cảm trong quyển sách mới nhất của mình?
Thực sự thì một cuốn sách không thể đủ để viết về sự phức tạp tinh thần trong những câu chuyện trầm cảm. Rất nhiều câu chuyện bi thương đau lòng thực tế ngoài kia, rất nhiều người đã buông tay, để bao nhiêu người ở lại phải dằn vặt vì thương nhớ. Quyển sách này đã nhẹ nhàng mềm mại đi rất nhiều gai nhọn, để mong mỏi đốt một ngọn đuốc hy vọng cho những người đang không may trầm cảm le lói thấy đường ra khỏi hầm tối, để họ có sức lực bám víu và leo lên đáy vực mà họ tự đào sâu rồi đã trèo xuống. Tôi mong muốn thiết tha có thể chữa lành tổn thương phần nào cho những người từng tổn thương, để họ mạnh mẽ sống tiếp chứ không chọn lựa sự gục ngã!
Không chỉ sinh viên hay du học sinh nhiều áp lực, bạn có lời khuyên nào dành cho những bạn trẻ 18 đôi mươi chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cuộc đời?
Những người trẻ, dù là sinh viên hay du học sinh sẽ đi qua những chông chênh vì xa nhà nhớ quê, thương xót cha mẹ, và đó cũng có thể là một nguyên nhân dẫn đến trầm cảm. Cuộc sống vừa áp lực học hành thi cử vừa làm thêm để trang trải chi phí chưa bao giờ là một cuộc sống dễ dàng, nhưng hãy nghĩ đó là một quãng thử thách rèn luyện cho tuổi trẻ vững vàng chân cứng đá mềm, muốn nếm mật thì phải nằm gai, không cách gì vượt qua ngoài nỗ lực từ sâu thẳm nội lực!
Vậy trầm cảm sau sinh cũng có rất nhiều tin tức tiêu cực dịp Tết vừa rồi khi những bà mẹ chọn cách bi thương nhất cho chính họ và con của họ? Quan điểm của bạn thế nào?
Sau sinh là một giai đoạn rất nhạy cảm của phụ nữ vì những rối loạn hocmon, thay đổi nội tiết, cơ thể, trải qua sinh nở và tất bật chăm con nhỏ kiệt sức, thiếu ngủ thường xuyên, tâm trạng vì thế cũng rất khó để cân bằng, rất nhiều người phụ nữ bị buồn chán, rối loạn lo âu, stress, căng thẳng, trầm cảm sau sinh nhưng họ không nhận ra, thậm chí những người xung quanh họ cũng không nhận ra. Cách tốt nhất để phụ nữ sau sinh ổn định cả về tinh thần và sức khoẻ là cần sự quan tâm đúng cách, trợ giúp hỗ trợ chăm sóc em bé, đồng hành cùng người mẹ, điều này tránh tình trạng lặp lại hoặc tăng dần mức độ trầm cảm sau sinh đứa trẻ tiếp theo. Bên cạnh đó, người mẹ cần học cách giải toả, cân bằng, để vui khoẻ trong hành trình nuôi con cũng như chuẩn bị tinh thần, sức khoẻ cho thai kì tiếp theo.
Bạn có sợ khi mình tìm hiểu quá sâu về thế giới trầm cảm thì tâm lý của bản thân sẽ bị lung lay và rơi vào trầm cảm luôn không?
Bởi vì tôi đã từng bị trầm cảm, một khi đã thoát ra khỏi bóng đen đó thì đã biết cách tìm ra ánh sáng và giữ lại ánh sáng, chỉ có người trầm cảm mới hiểu thế giới đó đáng sợ thế nào để không bước vào lần nữa! Càng tìm hiểu để càng phòng tránh chứ không lo sợ tìm hiểu để bị ám ảnh.
Những người trẻ phải gánh trên vai quá nhiều sự kì vọng của bản thân, gia đình, xã hội, điểm số, nghề nghiệp, việc làm, lương cao… đó có phải nguyên nhân khiến họ dễ stress và trầm cảm hay không?
Đúng là người trẻ ngày càng gánh trên đôi vai mỏng nhiều gánh nặng của áp lực, áp lực từ xã hội, áp lực từ nhà trường, cha mẹ, bạn bè, công ty… Sự áp lực cũng như bong bóng xà phòng, chắc chắn càng to càng nhanh vỡ. Những người trẻ tự đè nặng áp lực lên lồng ngực họ thì họ càng trở nên khó thở vì ngột ngạt. Nhiều khi cần thiết phải buông lỏng mình để dễ chịu hơn, động lực là quan trọng nhưng áp lực không phải lúc nào cũng cần thiết vì áp lực quá chúng ta càng khó đạt được kì vọng mong muốn vì không còn năng lượng tích cực. Xã hội văn minh hơn theo thời gian sẽ tự cân bằng và loại bỏ dần những định kiến cũng như áp lực cho không chỉ thế hệ trẻ mà nhiều tầng lớp, độ tuổi khác. Chúng ta sẽ không cần nhìn lẫn nhau chạy theo lẫn nhau để sống nữa mà mỗi người sẽ theo đuổi hành trình riêng và hạnh phúc trên con đường đã chọn lựa!


Theo bạn trầm cảm dễ xảy ra ở nhóm đối tượng nào nhất và vì sao?
Trầm cảm không chọn lựa người nào để tấn công, vì nó không phân biệt ai cả, ai cũng có thể tự giam hãm và trở thành nạn nhân trong những bức tường vô hình tự cô lập mình, trở thành ngoài lề gia đình và xã hội. Người khó khăn kinh tế hay giàu có của cải đều tồn tại những vấn đề riêng, khúc mắc riêng nếu họ không thể giải quyết, rất khó thể mọi thứ sẽ trở nên trống rỗng vô cảm hoặc rối tinh loạn đầu. Cuộc sống càng hiện đại, con người càng xa cách, chúng ta gặp smartphone nhiều hơn gặp mặt nhau, con người dần khoảng cách sau những màn hình cảm ứng, trầm cảm có thể len lỏi mọi ngóc ngách phố xá, mái nhà, nếu chủ quan thờ ơ, có thể ai đó ngay rất gần bạn, cũng là một người trầm cảm, chỉ là họ vẽ ra một lớp mặt nạ cười mà thôi dù sự căng thẳng hay buồn chán lo âu tấn công hệ thần kinh của họ mỗi ngày!
Bạn có liệu pháp tinh thần nào có thể xoa dịu chữa lành cho những người bị trầm cảm hay không?
Tôi tin rằng sách và nghệ thuật luôn là một người bạn tuyệt vời, có thể ở bên cạnh chúng ta bất cứ lúc nào, một ngày nắng đẹp, một chiều mưa rơi, thu hạ đông xuân hay cả khoảnh khắc tĩnh lặng trước khi ngủ, một quyển sách, những bài hát, một bộ phim, một bức tranh… theo tôi là liệu pháp tinh thần để vỗ về những trái tim đang muốn đóng kín cửa lại và một mình chịu đựng cô độc. Những trang sách vừa để thấu cảm, vừa để sẻ chia và cũng để những người đang ở giữa ánh sáng có thể hiểu và tôn trọng những ai đó đang vật lộn giằng xé với thế giới nội tâm của họ trong màn đêm.

T.V