Người Nổi Tiếng
Trang tin tức giải trí, tiểu sử người nổi tiếng

Doanh nhân Việt đưa công ty của mình vượt lên trên thị trường xử lý rác thải tại Mỹ

Doanh nhân Michael Dương xuất hiện trên Bìa T/C Người Nổi Tiếng Xuân 2022

Đây là một buổi phỏng vấn thú vị của Người nổi tiếng với doanh nhân Michael Dương – sinh năm 1976, đã sang Mỹ từ khi 5 tuổi và nhanh chóng mưu sinh cùng ba mẹ mình trên những chuyến xe thu gom rác thải trong đêm. Giờ đây, khi đã 46  tuổi nhưng anh đã có tới hơn 40 năm gắn bó với nghề thu gom rác thải tại Mỹ. Bằng cần cù, chịu khó, học hỏi không ngừng, công ty California Waste Solutions (CWS) của anh đã xếp hạng 37/ 100 công ty xử lý rác thải chất lượng nhất do nước Mỹ bình chọn. Được biết, tại Mỹ có gần bốn ngàn công ty cạnh tranh trong lĩnh vực này.

Doanh nhân Michael Dương

Chào Anh, qua những chia sẻ của anh trên truyền thông chúng tôi biết được rằng, Anh từng có một thời gian vô cùng vất vả với nhiều điều kiện không thuận lợi dồn lại một lúc khi qua Mỹ định cư cùng gia đình. Xin Anh chia sẻ cùng bạn đọc của Người nổi tiếng những năm tháng đó Anh đã làm gì để sống, vươn lên và có được như ngày hôm nay?

Tôi qua Mỹ năm 1980. Chúng tôi ở San Francisco, trong một chung cư nhỏ với gia đình có tới mười mấy người. Lúc đó tôi và gia đình đều không có tiền, không biết tiếng Anh, không được đi học. Cha mẹ tôi kiếm sống bằng cách hàng ngày đi lòng vòng quanh trung tâm thành phố để thu gom rác. Buổi tối, các khu văn phòng bỏ rác ra phía cửa công ty họ. Và 10 giờ thì xe rác đi qua thu. Chúng tôi canh từ 5 giờ chiếu tới tối lựa phế liệu, mượn xe cũ, bỏ lên xe, mang qua cho một công ty của người Mỹ. Làm hai ba năm gì đó, dành tiền, chúng tôi lập nên công ty nhỏ, rồi tìm người bán phế liệu để mua. Sau đó những người Việt Nam mới qua, họ như mình thôi, chúng tôi lại chỉ họ cách mà hồi đó mình làm như vậy. Giao cho họ tiền để mua xe, gom rác để bán lại cho mình. Đó là cách mà cả hai bên cùng giúp nhau.

Năm 1992, chúng tôi lập nên Công ty California Waste Solutions (CWS) tại Mỹ. Chúng tôi đấu thầu, thu gom xử lí rác, phế liệu. May là trúng thầu, một hợp đồng nhỏ thôi. Trong 5 năm đầu, chúng tôi luôn làm tốt và phát triển mạnh. 5 năm sau mình lại thầu lại. Thành phố thấy mình làm tốt, giá cả tốt nên họ quyết định đưa cho tôi thêm 7 năm nữa với nửa thành phố để thu gom xử lí rác.

2015, công ty tôi thầu trở lại thì trúng được 20 năm (tới năm 2035) để xử lí rác nguyên cả thành phố luôn. Chúng tôi trúng thầu thêm tại San Jose – đây cũng là thành phố mà người Việt đông nhất. Một số thành phố lân cận thì người ta thu gom mang lại cho mình xử lý. Nước Mỹ có cả ngàn công ty làm công việc này nhưng công ty của người Việt Nam thì chỉ có một mình công ty của tôi thôi.

150 chiếc xe thu gom rác của Công ty California Waste Solutions (CWS) tại Mỹ

Công ty tôi tập trung người của nhiều nước, chứ không chỉ là người Việt Nam. Tổng cộng nhân viên có khoảng 500 người và 150 chiếc xe thu gom rác. Một chiếc trị giá 350 ngàn đô.

Chính phủ có hỗ trợ về hợp tác, hay đầu tư đối với công ty của anh không?

Cali đứng đầu về coi trọng môi trường. Nên mình làm gì có thể họ sẽ hỗ trợ mình. Vì chính phủ luôn chủ trương chăm lo cho môi trường và sức khỏe.

Những năm tháng ban đầu đó, gia đình anh đã vượt qua khó khăn để đứng với nghề này trên đất Mỹ như thế nào?

Chịu khó, chịu cực, chịu làm là những gì mà chúng tôi luôn duy trì. May mắn là tôi luốn có… manh mối và có người quen thân giúp đỡ. Nhiều người qua đây cũng không có cơ hội như mình. Mình thật sự là có cơ duyên để lập nghiệp và ít bị cạnh tranh.

Xin anh chia sẻ bí quyết của anh trong ngành xử lý rác thải tại Mỹ, nó có sự khác biệt như thế nào ở khía cạnh tầm nhìn, chiến lược để có thể mang lại thành công như ngày hôm nay?

Khi gia đình chúng tôi xác định hướng đi, thời điểm đó đã là đi trước nhiều người rồi vì ít người lúc đó làm nghề này. Khi ấy người ta cũng chưa coi trọng việc thu lượm rác. Phải mười năm sau người ta mới dần dà nhận ra và coi trọng công việc này hơn. Họ nhận ra công việc đó là làm cho môi trường sạch hơn. Vì vậy, họ giúp đỡ mình. Gia đình chúng tôi khi làm luôn đặt lợi ích cộng đồng, môi trường và sức khỏe lên hàng đầu.

Tâm trạng của một cậu bé 5 tuổi khi qua Mỹ như thế nào, lại sớm theo cha mẹ mưu sinh?

Khi đó tôi mới 5 tuổi, không nhớ được nhiều. Chỉ nhớ cứ sau bữa tối cha mẹ lại mang tôi lên xe đi thu gom rác cùng vì không có tiền thuê người trông. Nhỏ qua không làm được gì, ngồi trên xe lạnh, nhìn qua cửa sổ nhìn ba mẹ đang làm việc. Tới khuya ba mẹ về thì mình về cùng, có những hôm rất khuya mới về tới nhà. Những ngày tháng ấy luôn ấn tượng với tôi tới giờ. Tôi nhớ nhất là những lần xe rác nhà tôi đi qua tiệm McDonald, hai anh em tôi chạy ù xuống chỗ quầy trước tiệm để lấy những bịch tương cà còn sót lại và xé những bịch chưa khui ấy ra, nặn tương cà cho vào miệng ăn. Niềm vui lúc đó là vậy, cảm thấy mỗi khi xe tới chỗ này mình vui lắm. Những chi tiết ấy thôi thúc mình cố gắng hết mình để làm giỏi hơn, hay hơn mới có thể giúp được nhiều người khó khăn như mình.

Thế rồi, anh học tập như thế nào với một hoàn cảnh đặc biệt như vậy?

Gia đình luôn ráng giúp cho tôi theo đuổi việc học tập. Lúc học lớp 12, tôi học từ 8h sáng tới 3h rưỡi chiều lại ghé công ty giúp gia đình làm việc khoảng 4 tiếng. Vô cái là ba tôi để cho tôi làm việc cùng công nhân phân loại rác. Nghĩ sao ba làm chủ lại để mình làm việc này suốt hai năm? Sau đó ba lại chuyển tôi qua điều khiển máy móc, xe ủi, xe xúc rác cũng vài năm, rồi đi làm cân xe rác. Mãi rồi mới cho làm văn phòng, khách gọi vô thì bắt điện thoại để giao dịch. Sau đó tôi mới hiểu ba mình bắt mình làm ngần ấy công đoạn để sau này mình có kỹ năng quản lý tốt tất cả các khâu.

Năm nào anh chính thức điều hành công ty thay cho ba của ông?

Hiện tại tôi không nắm hết mà chia ra mỗi người nắm một nơi, mỗi người sẽ điều hành quản lý một mảng. Công ty này quá lớn, nếu đưa một người ra thì không nắm hết được. Mảng chính mà tôi đang nắm là điều hành tài chính, ngoài ra cũng tham gia những khâu khác để hỗ trợ cho việc quản lý của gia đình.

Tôi được biết, từ việc thức khuya dậy sớm để cùng cha mình đi thu gom rác, rồi từ đó anh lại thành ông chủ trong ngành này. Đây là một cơ duyên hay là một sự lựa chọn “không có lựa chọn nào khác?”

Tôi chọn vì thấy gia đình mình như vậy, đâm ra thích ngành này luôn. Nhất là khi học những việc liên quan tới rác, tôi đâm ra yêu nghề này. Có nhiều cái phát sinh cần mình xử lí, mình tự học luôn mà dân Mỹ thấy mình làm cái này họ khoái lắm, họ thấy mình dân Á Đông mà qua giúp cho thành phố họ sạch sẽ. Chính tinh thần ấy như nuôi thêm niềm đam mê, sự yêu thích của bản thân với ngành này. Cảm giác làm một cái gì đó có ý nghĩa được cộng đồng đón nhận hạnh phúc vô cùng. Ra đường, họ hỏi làm gì mình hãnh diện nói về ngành mình theo đuổi lắm. Bạn thấy đó, người Mỹ ra đường không đeo khẩu trang, vì môi trường họ trong sạch. Vì vậy mà thấy một người Việt Nam qua đây chọn công việc làm sạch môi trường của họ, họ luôn ủng hộ.

Anh có dự định tương lai gì cho công việc và công ty của mình?

Tôi luôn mong muốn phát triển công ty mình ra nhiều thành phố khác trên khắp nước Mỹ.

Gia đình anh Michael Dương đã xây dựng “đế chế rác” tại Mỹ với Công ty California Waste Solutions (CWS), tôn chỉ mục đích để anh và gia đình mình chiến thắng nhiều công ty khác, thâu tóm thị trường là gì?

Tại việc này là phải đấu thầu mà nên phục vụ tốt, giá cả phải thấp hơn. Ưu tiên hơn họ thấy mình là người Á Đông. Họ thấy mình làm và tạo điều kiện cho mình làm giống như là tạo cơ hội cho mình vậy. Tương tự như việc khi phụ nữ kinh doanh hay làm chủ, nước Mỹ sẽ càng tạo điều kiện, khuyến khích nhiều hơn. Trong số gần 4000 ngàn các công ty ở nước Mỹ làm về ngành này, họ chọn 100 công ty đứng đầu, thì công ty của tôi xếp hạng thứ 37.

Bài học kinh doanh mà anh muốn gửi tới những bạn trẻ từng có điểm xuất phát thấp như ông là gì?

Mình thích gì cứ làm, đừng sợ, ai nói gì kệ họ mình phải giữ lập trường. Không bao giờ nhìn xuống người ta mà hãy luôn luôn nhìn lên. Nhìn xuống thấy mình ngon hơn người ta rồi mình không phát triển nổi. Hãy nhìn lên người ta để leo cao hơn nữa. Ai cũng phải học hỏi cả, ngay cả Tổng thống cũng phải học cho nên luôn luôn học hỏi sẽ giúp cho sự phát triển của mình.

Ngoài kinh doanh về xử lí rác thải, anh còn tập trung vào những lĩnh vực nào khác không?

Tôi có đầu tư vào cà phê, bất động sản, truyền thông, kinh doanh thương mại, cộng đồng, đặc biệt sắp tới sẽ còn đầu tư vào làm phim với Hollywood. Điều quan trọng nhất là muốn làm một điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng người Á Đông tại Mỹ. Nhưng mọi cái đều đang ở những bước khởi đầu nên tôi sẽ chia sẻ thêm trong những lần sau.

Bạn đọc rất trân trọng ý định muốn về Việt Nam giúp nhiều người phát triển quê hương. Nhưng một câu nói không thể nói lên nhiều điều. Đó quả là một hành trình dài và nhiều chặng. Anh đã chuẩn bị cho mình được những gì với khát vọng “trở về”?

Trước đây, mỗi năm tôi về tầm ba, bốn lần để đầu tư một số việc, trong đó có cả công việc từ thiện. Tôi giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là người già và trẻ con, nhất là ở Việt Nam.

Trong thời điểm gần hai năm dịch Covid bùng phát toàn cầu, ảnh hưởng của đại dịch với ngành nghề của anh không? Hay đây là công việc cần thiết nên không chịu ảnh hưởng Covid?

Khi dịch đến, nhiều người bị ảnh hưởng, nhất là dân Việt Nam mình vì hay làm quán ăn, làm Neo, nhưng công ty tôi vẫn phải làm việc. Rác mà không thu gom thì chất chồng. Mình vẫn phải làm, xử lí rác cho thành phố sạch sẽ. Có những giai đoạn có lệnh cấm dân không ra đường. Ở nhà họ chỉ cần được đi chợ thôi. Nấu ăn thì đồ đạc nhiều, phế liệu quăng ra nhiều hơn. Vì thế giờ giấc làm việc phải tăng lên. Một ngày làm hai ca, 6h sáng và 9h tối giờ thì phải mở sớm hơn 1-2 tiếng vì số lượng công việc cần xử lí lên cao quá. Vì vậy công nhân viên của mình cần phải bảo vệ, tăng cường kỹ để phòng bệnh không lây lan.

Chúng tôi muốn lắng nghe ở anh về những bài học được rút ra từ những năm tháng bôn ba ở xứ người, nhất là trong thương trường?

Mình là người Việt Nam qua một nước khác phải làm lại từ đầu hết. Khó khăn thì phải chịu khó. Không bao giờ nghĩ không được thì mình buông xuôi. Mọi việc không được liền nhưng thời gian sẽ cho kết quả tốt. Một điều nữa, hãy biết rèn giũa tính tình mình để mọi người thương quý. Để có được như ngày hôm nay không có nghĩa là mình ngưng lại, mà cần học hỏi, tiến lên, để giúp những người nào cần giúp, nhất là người Việt Nam mình.

Xin cảm ơn Anh Michael Dương!

Thực hiện: Sơn Minh 

Người Nổi Tiếng số Xuân 2022