Người Nổi Tiếng
Trang tin tức giải trí, tiểu sử người nổi tiếng

Tổng giám đốc AEON Việt Nam: Năm 2022 – mốc thời gian quan trọng để nhà bán lẻ khôi phục tăng trưởng!

Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam

KTSG Online: Sau một năm dẫn dắt AEON ở Việt Nam, ông đánh giá thị trường gần 100 triệu dân này thế nào?

Ông Furusawa Yasuyuki: Quả thật rất nhiều áp lực đè nặng lên vai tôi. Bởi lẽ ở những năm trước đó, người tiền nhiệm đã xây dựng và phát triển AEON ở Việt Nam rất tốt với doanh số tăng trưởng từ 10-15%/năm. Khi bổ nhiệm tôi dẫn dắt ở thị trường tăng trưởng nhanh và đầy triển vọng này, lãnh đạo Tập đoàn AEON đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào tôi để tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được.

Thế nhưng, trong cả một năm vừa qua, trải nghiệm lớn nhất của tôi ở Việt Nam lại là chứng kiến thời gian giãn cách xã hội và hoạt động đối phó với dịch bệnh do đợt bùng phát lần thứ tư của Covid-19 tại TPHCM và khu vực phía Nam.

Tuy nhiên, trong hoàn cảnh khó khăn như vậy, chúng tôi cũng đã linh hoạt và cố gắng triển khai nhiều hoạt động thiết thực cho người dân cũng như hoạt động kinh doanh phù hợp như tham gia tiêm vắc xin cho người dân, tổ chức những chuyến xe bán hàng lưu động đến nhiều khu dân cư để người dân có lương thực-thực phẩm, tăng cường bán hàng online…

Tôi cũng được trải nghiệm nhiều sự thay đổi, ứng phó nhanh mang tính quyết định lúc bấy giờ từ chính sách không Covid đến chuyển sang “sống chung” với virus này. Và cả giai đoạn việc tiêm vắc xin được đẩy nhanh thần tốc… để người dân giờ đây có thể đi lại và làm việc trong bối cảnh bình thường mới,…

Vậy tình hình kinh doanh của AEON Việt Nam sau giai đoạn giãn cách xã hội đến nay thế nào, thưa ông?

Từ sau giãn cách và đặc biệt từ thời điểm trước Tết cho đến nay, kinh tế Việt Nam dần hồi phục, lượng khách hàng dần quay trở lại các trung tâm mua sắm (TTMS) và siêu thị nhiều hơn. Theo đó, hoạt động kinh doanh của AEON trong những tháng đầu năm cũng khá khả quan.

AEON Việt Nam không ngừng đổi mới để đáp ứng nhu cầu thay đổi của khách hàng.

Tuy nhiên, do thời gian giãn cách xã hội kéo dài nên đã ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, dẫn đến thói quen mua sắm, tiêu dùng của nhiều người cũng thay đổi và ảnh hưởng rất nhiều. Đơn cử như trước đây các nhà hàng, quán ăn, rạp chiếu phim tại AEON có nhiều khách vào giờ tối muộn nhưng giờ đây đã giảm rất nhiều. Tần suất đi mua sắm của khách hàng cũng giảm đi rất nhiều…

Chúng tôi kỳ vọng từ tháng 4 hoặc tháng 5 tới, tình hình mua sắm của người tiêu dùng sẽ có sự thay đổi và cải thiện tốt hơn nữa.

Việc thay đổi thói quen mua sắm và tiêu dùng của khách hàng có là thách thức với các nhà bán lẻ như AEON Việt Nam?

Phải nói dịch Covid-19 đã làm thay đổi rất rõ thói quen cũng như hành vi tiêu dùng của khách hàng. Đơn cử như trong cách thức mua hàng, họ sử dụng kênh thương mại điện tử và thanh toán không tiền mặt nhiều hơn. Lượng khách hàng mua sắm những nơi gần nhà cũng tăng lên mà cụ thể doanh thu ở các siêu thị nhỏ, cửa hàng tiện lợi tăng lên. Hay giá trị đơn hàng mua sắm nhiều hơn…

Những thay đổi thói quen hành vi tiêu dùng của khách hàng là những thách thức cho tất cả nhà bán lẻ và AEON Việt Nam, do đó nếu không có biện pháp để đáp ứng thì chắc chắn sẽ chậm trễ trong kinh doanh.

Quầy thanh toán nhanh dành cho khách thanh toán không dùng tiền mặt.

AEON Việt Nam có rất nhiều định hướng cũng như kế hoạch để đáp ứng những thay đổi và thách thức này. Tại Hà Nội, chúng tôi đang phát triển những hệ thống siêu thị vừa và nhỏ là MaxValu. Ở thị trường TPHCM, AEON Việt Nam thay đổi, cải tiến lại hệ thống siêu thị Citimart, cửa hàng tiện lợi MiniStop và thực hiện rất nhiều cải tiến cũng như nâng cấp những siêu thị, TTMS để mang đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng. AEON Việt Nam cũng tập trung chú trọng việc phát triển những sản phẩm thuộc nhãn hàng riêng để thu hút khách hàng. Bên cạnh đó chúng tôi đẩy mạnh kênh thương mại điện tử và các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt …

Cụ thể sự kỳ vọng của AEON Việt Nam cho tăng trưởng năm 2022 như thế nào? 

Tôi tin rằng từ khoảng nửa cuối năm nay kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng bình thường trở lại và AEON Việt Nam đang cố gắng lấy lại mức tăng trưởng như thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát.

Chúng tôi xem năm 2022 là dấu mốc quan trọng để lấy lại mức tăng trưởng đó. Tuy nhiên, hiện nay hành vi mua sắm của khách hàng đã thay đổi rất nhiều so với trước dịch xảy ra nên chúng tôi phải thay đổi theo và có những quyết sách phù hợp để đáp ứng, nếu không rất khó để lấy đà phát triển trong thời gian tới.

Mặt khác, những năm qua một phần tăng trưởng của AEON là nhờ mở thêm các trung tâm mua sắm (TTMS) mới. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2023, chúng tôi không có TTMS mới nào đi vào hoạt động. Do đó, tăng trưởng trong thời gian tới đòi hỏi chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều so với trước đây.

Tôi cho rằng năm nay rất quan trọng trong việc cải tiến, đổi mới để tăng tốc, lấy lại đà tăng trưởng như trước dịch. Do đó, đây có thể coi là năm có sự cạnh tranh rất gắt gao giữa các nhà bán lẻ để đáp ứng được nhu cầu thay đổi nhanh của khách hàng.

Như vậy kế hoạch cụ thể của AEON Việt Nam trong năm 2022 như thế nào, thưa ông? 

Đầu tiên, trong năm 2022, mục tiêu lớn nhất là làm sao quay lại đà tăng trưởng như thời gian trước dịch. Do vậy, AEON Việt Nam sẽ tập trung mở rộng thêm chuỗi siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu ở Hà Nội. Hiện đã có 7 siêu thị và chúng tôi sẽ cố gắng đạt được 20 siêu thị trong năm nay. Thứ 2 là sẽ lấy lại số lượng khách hàng và doanh thu cho các TTMS, Trung tâm Bách hóa tổng hợp và Siêu thị lớn. Hệ thống AEON Citimart thì đang nâng cấp, đổi mới cũng như sẽ mở thêm điểm mới. Và cuối cùng là chúng tôi đang tập trung vào việc tăng tốc, đẩy mạnh thương mại điện tử để đáp ứng nhu cầu đang tăng của khách hàng. Năm nay tỷ trọng doanh thu từ các kênh bán hàng trực tuyến của AEON Việt Nam có thể sẽ chưa cao nhưng đây là bước chuẩn bị để đẩy mạnh phát triển trong tương lai.

Hệ thống siêu thị vừa và nhỏ AEON MaxValu tại Hà Nội.

Hiện các trung tâm mua sắm, trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị vẫn là nguồn đóng góp lớn vào hoạt động kinh doanh. Trong thời gian tới, để tăng trưởng doanh thu của lĩnh vực bán lẻ này, chúng tôi sẽ tiếp tục thay đổi, tăng sự trải nghiệm cũng như cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Mặt khác, chúng tôi sẽ nâng cấp đổi mới những điểm bán hàng phù hợp hơn để có thể chuẩn bị cho bước phát triển tương lai, thu hút được nhiều khách hàng, hiệu quả hơn. Thực tế cho thấy, những cải tiến, nâng cấp của chuỗi siêu thị Citimart gần đây đã giúp cho doanh thu chuỗi siêu thị này tại TP.HCM tăng khoảng 20% so với trước đó.

Thị trường Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chiến lược đầu tư và phát triển của AEON? Mục tiêu của AEON tại Việt Nam trong vòng 3 năm và dài hạn hơn là 10 năm tới ra sao, thưa ông?

Tập đoàn AEON xem Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 chỉ sau Nhật Bản để phát triển chiến lược kinh doanh. Kể từ khi khai trương TTMS đầu tiên AEON Tân Phú Celadon vào năm 2014, tính đến cuối năm 2021, AEON đã mở rộng hệ thống mô hình kinh doanh này lên 6 trung tâm; hơn 40 cửa hàng chuyên doanh gồm Glam Beautique, AEON Wellness, Petemo, AEON Bicycle, cửa hàng đồng giá, khu vui chơi trẻ em trong nhà AEON Fantasy; 7 siêu thị AEON MaxValu; trang thương mại điện tử AEON Eshop…

Cửa hàng HÓME CÓORDY của AEON chuyên về các sản phẩm nội thất và gia dụng mang phong cách chuẩn Nhật Bản.

Kế hoạch trung hạn tới năm 2025, chúng tôi sẽ đạt ít nhất 15 TTMS AEON; trong khi đó hệ thống chuỗi siêu thị vừa và nhỏ MaxValu đạt 100 cửa hàng ở Hà Nội. Song song đó, chúng tôi cũng sẽ phát triển hệ thống cửa hàng chuyên doanh, như cửa hàng kinh doanh xe đạp và mỹ phẩm. Chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng hệ thống địa điểm kinh doanh để phục vụ nhu cầu người dân tại các khu dân cư.

Kế hoạch dài hạn hơn tới năm 2030, khi đó chắc chắn nền kinh tế của Việt Nam sẽ rất phát triển cho nên mục tiêu của AEON là sẽ đạt 30 TTMS. Việc mở rộng trung tâm mua sắm này của AEON sẽ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế, Hải Phòng cũng như những khu vực tỉnh lân cận của các thành phố này. Ngoài những TTMS với quy mô lớn, chúng tôi sẽ cân nhắc để phát triển chuỗi cửa hàng vừa và nhỏ nhiều hơn nữa và tăng tốc kênh bán hàng online.

Ngoài đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, AEON cũng cam kết đưa hàng hóa doanh nghiệp Việt Nam sang các chuỗi bán lẻ của AEON ở Nhật Bản và các nước khác. Mục tiêu xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ hàng Việt qua AEON vào năm 2025 đến nay như thế nào, thưa ông? 

Thực tế, việc xuất khẩu các năm trước đang tương đối tốt, nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua rất lớn nên tình hình có chậm lại. Tôi tin rằng sau khi dịch Covid-19 dần được kiểm soát, kinh tế phục hồi trở lại thì việc xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sẽ được tiếp tục đẩy mạnh như trước, danh mục hàng hóa xuất khẩu cũng sẽ tăng lên.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm, khai thác các mặt hàng mới để đưa vào các hệ thống siêu thị Nhật Bản và ở thị trường các nước khác. Với những kế hoạch mới tăng tốc và đẩy mạnh hơn nữa, tôi tin rằng mục tiêu xuất khẩu đạt 1 tỉ đô la vào năm 2025 như AEON cam kết sẽ đạt được.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Thesaigontime