Theo tử vi phương Đông, nguời tuổi Dần là người phức tạp và khó đoán nhất trong 12 con giáp. Họ là những người rất độc lập, thú vị, rất giỏi giao tiếp và truyền cảm hứng cho mọi người.
Người tuổi Dần rất thích được khám phá và thử thách những điều mới và chấp nhận những rủi ro để đạt được mục tiêu. Người tuổi Dần cũng là quyền uy, bí ẩn nhất trong 12 con giáp. Chính vì vậy, họ thường có sự nghiệp thành công và có tầm ảnh hưởng đến những người xung quanh.
Trên thương trường Việt Nam, có 2 người đàn ông cùng sinh năm 1962 - Nhâm Dần đã gặt hái được những thành công vang dội trong cả kinh doanh và sự nghiệp bóng đá. Đó chính là ông Đoàn Lê Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển).
Là doanh nhân, kinh doanh ở trong các lĩnh vực khác nhau nhưng bầu Đức và bầu Hiển có chung niềm đam mê với bóng đá.
Là hai ông bầu nổi tiếng nhất nhì trong làng bóng đá Việt, lại cùng sinh năm Nhâm Dần, cầm tinh con hổ, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) và ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) có những điểm tương đồng và trái ngược trong cuộc sống cũng như sự nghiệp khiến nhiều người bất ngờ.
Bầu Hiển từng là nhà khoa học, công tác tại viện Công nghệ quốc gia. Còn bầu Đức thì chưa bước qua cánh cổng đại học nhưng đường đi nước bước của hai ông trong kinh doanh và trong bóng đá rất giống nhau. Cả bầu Đức và bầu Hiển đều tự mình gây dựng nên cơ nghiệp, bắt đầu từ hai bàn tay trắng.
Năm 1993 cả bầu Đức và bầu Hiển đều có những quyết định mang tính bước ngoặt: Năm đó bầu Đức thành lập xí nghiệp tư doanh gỗ Hoàng Anh còn ở Hà Nội, bầu Hiển thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Công nghệ và Thương mại T&T.
Một người làm gỗ, một người hướng kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh tưởng chừng chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng cuối cùng họ lại gặp nhau ở cách làm bóng đá.
Chân dung bầu Đức (trái) và bầu Hiển (phải)
Đã nhiều năm nay, bầu Đức, chủ tịch CLB Hoàng Anh Gia Lai, nổi tiếng với cá tính chân chất, thật thà, có sao nói vậy chẳng sợ bất kỳ ai. Ông luôn quan niệm: bóng đá là phải sạch, cầu thủ là phải chơi đẹp, chơi hay. Bởi vậy, CLB Hoàng Anh Gia Lai của ông đã chiếm được không ít cảm tình của người hâm mộ.
Còn bầu Hiển, cách làm bóng đá của ông hoàn toàn khác bầu Đức: Im lặng hơn, ôn hòa hơn, nhưng vẫn đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam theo cách của riêng mình. Kể cả khi có những tin đồn bóng gió phê phán việc một ông chủ liên quan đến nhiều đội bóng thì ông vẫn giữ thái độ bình thản, nhẹ nhàng.
Cả 2 ông bầu tuổi Dần đều có tình yêu cháy bỏng với trái bóng tròn. Dù đều là doanh nhân thành đạt và có sự nghiệp riêng, song cả bầu Đức và bầu Hiển đều đầu tư cho bóng đá bằng cả tâm huyết.
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh ngày 6/12/1962 trong trong gia đình đông con, bố mẹ đều là nông dân tại tỉnh Bình Định. Do nhà nghèo nên từ nhỏ ông đã làm nhiều công việc từ rất sớm. Tuổi thơ của cậu bé Đoàn Nguyên Đức là những chuỗi ngày cùng bố mẹ lên nương, làm rẫy, làm mộc.
Từng thi đại học và trượt đến 4 lần, ông Đức đã quyết định lựa chọn hướng đi khác để xây dựng sự nghiệp. Ông từng chia sẻ: "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng".
Ông Đức cũng chưa từng tự ti khi nhắc về vấn đề này: "Tôi không có bằng đại học là đúng nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ học có 5 năm còn tụi tôi học trường đời tới 35 năm rồi".
Ông Đức bắt đầu sự nghiệp từ một xưởng mộc nhỏ (Ảnh: Internet)
Năm 1993, ông Đoàn Lê Nguyên Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng mộc nhỏ chuyên đóng bàn ghế cho học sinh tại Gia Lai. Sau một thời gian hoạt động kinh doanh có hiệu quả, ông mở rộng thêm nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau như: trồng và chế biến gỗ, mủ cao su, sản xuất đá granit.
Ông đã trở thành ông chủ của Tập đoàn tư nhân nổi tiếng trong nước và quốc tế - Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Sau đó, tập đoàn của ông Đức mở rộng địa bàn ra kinh doanh các tỉnh trong cả nước và bổ sung ngành nghề kinh doanh mới là du lịch, địa ốc..
Dù rất nổi tiếng trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và nông nghiệp, song ông Đoàn Nguyên Đức được mọi người biết đến nhiều nhất với cái tên thân thương "bầu Đức" - "người hùng" thầm lặng của đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Ông từng chia sẻ: "Làm bóng đá ngoài tiền chưa đủ, mà phải có nhiều thật nhiều tiền. Nó là điều kiện cần, còn đủ là phải đam mê, khát vọng và có bước đi nghiêm túc, căn cơ. Tôi sẽ làm mãi đến hơi thở cuối cùng".
Với nền bóng đá nước nhà, ông Đoàn Nguyên Đức không hề nề hà bất kỳ điều gì: "Làm được gì cho bóng đá Việt Nam, tôi không bao giờ từ chối". Với mong muốn bóng đá Việt Nam vươn lên một tầm cao, ông chủ CLB HAGL sắp xếp đội nhà có thể sang Anh học hỏi CLB Arsenal của HLV Wenger.
Bên cạnh đó, ông Đức là người tiên phong cho việc chi tiền mua ngôi sao ở V.League. Năm 2002, ông từng làm các fan bóng đá Việt phải ngỡ ngàng khi mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng.
Không chỉ có vậy, ông cũng là người đã đưa huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam và trực tiếp trả lương cho huấn luyện viên này nhiệm kỳ đầu tiên. Dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang Seo trong những năm gần đây, bóng đá Việt Nam gặt hái được nhiều thành công lớn như thành tích đội tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.
Bầu Đức là người đã đưa huấn luyện viên Park Hang-seo đến Việt Nam (Ảnh: Internet)
Từng là một trong những tỷ phú giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam "đời đầu", năm 2011, ông Đoàn Nguyên Đức được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.
Là một người nói ít làm nhiều, ông Đỗ Quang Hiền bắt tay vào làm bóng đá muộn hơn bầu Đức nhưng lại xây dựng được một tầm ảnh hưởng sâu, rộng từ bộ máy quản lý bóng đá đến trực tiếp các đội bóng.
Ông Hiển sinh ngày 29/10/1962 tại Hà Nội, nhưng ông lại lớn lên ở Thái Bình. Năm 1980, ông đỗ đại học quốc gia Hà Nội với chuyên ngành vật lý và 4 năm sau, khi ra trường, ông làm cho công ty sửa chữa máy thu hình của Đài phát thanh Hà Nội
Ông Đỗ Quang Hiển là cổ đông sáng lập Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) (Ảnh: Internet)
Năm 1993, bầu Hiển bắt đầu lập nghiệp với việc lập Công ty TNHH Công nghệ và Thương mại T&T. Khi đó, công ty hướng đến việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị văn phòng,… được nhiều hãng điện tử Nhật Bản chọn làm đại lý độc quyền.
Trong suốt 5 năm đầu, công việc kinh doanh của T&T lên như diều gặp gió. Khi T&T ngày càng làm ăn khấm khá, bầu Hiển nhảy vào lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Thông qua T&T, ông Hiển đang là cổ đông lớn nhất tại Ngân hàng SHB. Đây là một trong 5 nhà băng tư nhân lớn nhất Việt Nam.
Với nòng cốt là T&T Group, ông Đỗ Quang Hiển đang kinh doanh trong 7 lĩnh vực chủ yếu, gồm: Tài chính & Đầu tư; Bất động sản; Công thương; Nông nghiệp, lâm nghiệp & Thủy sản; Hạ tầng giao thông, cảng biển & Logistic; Năng lượng và Môi trường; Y tế, Giáo dục và Thể thao.
Bầu Hiển tự nhận: "Nồng độ bóng đá trong máu tôi còn cao hơn nồng độ mỡ trong máu!" (Ảnh: Internet)
Từ việc thành công rất lớn trong kinh doanh, bầu Hiển có nhiều điều kiện hơn trong việc sống với đam mê của mình là trái bóng tròn. Bóng đá với ông như một thứ gây nghiện, có lần ông nói vui: "Nồng độ bóng đá trong máu tôi còn cao hơn nồng độ mỡ trong máu!"
Dù là kinh doanh hay bóng đá, ông Hiển đều mong muốn được cống hiến hết mình: "Đã là doanh nhân thì phải luôn có tư tưởng làm giàu, nhưng không phải làm giàu bằng mọi giá, phải có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng. Doanh nghiệp cũng như bóng đá, chúng ta phải luôn đưa ra mục tiêu để chinh phục, hướng đến những đỉnh cao là khát vọng của cá nhân, doanh nghiệp và của cả một dân tộc"
Cách đào tạo cầu thủ của bầu Hiển cũng rất khác lạ. Dù hoàn toàn dư dả về mặt tài chính, nhưng ông muốn các cầu thủ phải có tinh thần tự lực và chịu được gian khổ. Bầu Hiển không đưa ra những điều kiện tốt ngay, nhưng cũng rất phóng khoáng.
Mỗi khi Hà Nội T&T lên hạng thì các cầu thủ đều có thưởng. Cách làm của bầu Hiển lập tức phát huy tác dụng. Là tân binh của bóng đá Việt Nam song Hà Nội T&T liên tiếp thăng hạng và chỉ sau 2 năm đã giành quyền lên chơi tại giải hạng Nhất.
Với sự chân thành, ông Hiển chia sẻ: "Đầu tư vào bóng đá thì phải xác định là cống hiến, không đặt vấn đề đòi hỏi gì và phải rất kiên trì, có những lúc phải chịu đựng." Từ ngày bước đi trên con đường này, ông Hiển được nhiều thứ. Cái được không phải lợi ích kinh tế mà là được cống hiến cho Đội tuyển Quốc gia và đội tuyển đã đạt được các thành tích lớn.
Không chỉ bỏ tiền đầu tư, tài trợ cho sự phát triển bóng đá, bầu Hiển còn là người truyền cảm hứng cho các cầu thủ mỗi khi ra sân, dặn dò rất kỹ tinh thần thi đấu.
Nhiều người thường xuyên thấy ông tới sân Hàng Đẫy cổ vũ cho CLB Hà Nội khi đá V-League hoặc khi Đội tuyển Quốc gia đá giải quốc tế. Ông sẵn sàng xuống tận đường pitch (sân thi đấu) để động viên, nói chuyện với các cầu thủ và "thưởng nóng" cho cả đội sau những trận đấu quan trọng.
Trong suốt hơn 1 thập kỷ qua, bầu Hiển và bầu Đức đều không tiếc tiền bạc, công sức và nhân tài để cống hiến, thúc đẩy nền bóng đá nước nhà tiến lên phía trước. Hy vọng bóng đá Việt Nam sẽ ngày càng có thêm nhiều những ông bầu tận tâm, tận tình để một ngày nào đó đưa đưa V.League và cả ĐTQG lên chuyên nghiệp theo đúng nghĩa.
Cafef