Điều đáng nói là người đầu tiên trong đoàn của nghệ sĩ Nick Út mà tôi nhận ra là Hương Giang, một người bạn mà chúng tôi vinh dự được nhà báo Đỗ Phượng và nhạc sĩ An Thuyên gieo duyên từ đầu những năm 2000. Nhưng thú thật, chỉ sau khi nghe Hương Giang tâm sự và đồng hành cùng chị một thời gian dài sau đó tôi mới nhận ra vai diễn “chị Sứ” của chị năm 2008 là một vai diễn để đời, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp ca hát của chị.
Số là, Hương Giang may mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống yêu âm nhạc. Ông bà nội của chị lập gánh hát từ sớm để phục vụ nhân dân và bộ đội. Chú ruột chị là nhạc sĩ An Thuyên, ngay khi còn trẻ ông đã đảm nhận vị trí nhạc trưởng. Gia đình chị có 9 anh chị em ruột, ai cũng có năng khiếu về nghệ thuật. Người anh trai cả của chị là NSND An Phúc nổi tiếng trong giới nghệ thuật Chèo.
Mảnh đất Quỳnh Lưu, Nghệ An - vùng đất can trường nơi cửa biển nhưng cũng rất đỗi ấm áp, ngọt ngào nơi chị sinh ra là một trong những cái nôi của Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Ngay từ thuở ấu thơ, tâm hồn chị được “tắm” trong lời hát ru của bà, của mẹ. Những câu ca, điệu hò ví giặm đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ, truyền cảm hứng và niềm đam mê cháy bỏng với âm nhạc trong chị.
Tuy nhiên, với tính tình nhút nhát, ngại tiếp xúc đông người, ít quảng giao và đặc biệt giọng nói quá nhỏ của chị là những hạn chế mà chị không đủ tự tin để chủ động theo nghiệp ca hát như các anh chị của mình. Chỉ đến khi, nhạc sĩ An Thuyên trực tiếp nhiều lần động viên thì chị mới vâng lời ra Hà Nội học thanh nhạc niên khoá (1994 - 1997), gieo mộng trở thành ca sĩ quân nhân phục vụ lâu dài trong quân đội.
Vừa chân ướt chân ráo bước vào Trường văn hoá nghệ thuật Quân đội với bao bỡ ngỡ, cô giáo dạy thanh nhạc sau khi tiếp xúc thấy chị quá nhút nhát, giọng nói lí nhí như hụt hơi đã thẳng thắn khuyên chị nên tìm một chuyên ngành khác phù hợp hơn thanh nhạc. Chị vô cùng thất vọng về bản thân, nhưng lại sợ chú An Thuyên biết sẽ buồn nên chị càng quyết tâm hơn, học thật kỹ những điều cơ bản nhất về thanh nhạc.
Thấm thoắt 03 năm học ở Trường VHNT quân đội cũng đã trôi qua, chị được đánh giá là học viên xuất sắc đã có nhiều nỗ lực trong học tập, rèn luyện và trưởng thành từng ngày. Chị thực sự đã trở thành một ca sĩ quân nhân tự tin với giọng hát trong sáng, trữ tình lôi cuốn người nghe mỗi khi chị xuất hiện dưới ánh đèn sân khấu.
Theo đuổi ước mơ âm nhạc từ sớm, Hương Giang không ngại gian khó, tình nguyện vào cực Nam xa xôi làm ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 khi mới 21 tuổi. Cô ca sĩ trẻ lội suối bằng rừng khắp các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long để biểu diễn phục vụ quân dân miền đồng bằng sông nước. Chị kể, có khi phải lênh đênh trên sông nước nhiều giờ đồng hồ trong đêm để đến được điểm diễn, có khi đồng hành cùng các đơn vị đóng quân trong rừng sâu núi thẳm.
Những năm tháng ấy đã cho chị những trải nghiệm quý của người nghệ sĩ quân nhân. Tiếng hát của người chiến sĩ, nghệ sĩ nơi thao trường tiếp thêm sức mạnh tinh thần để người lính hoàn thành nhiệm vụ. Trong những đêm đông giá lạnh hay giữa thao trường đầy nắng gió, giọng hát cao giàu nội lực, trong sáng, trữ tình của người con gái xứ Nghệ mỗi khi cất lên đã làm say đắm lòng người.
Chính trong môi trường ấy, Hương Giang đã có nhiều cơ hội được thể hiện tài năng và ngày càng hoàn thiện bản thân hơn khi tham gia biểu diễn, thao luyện và nhiều chương trình hội thi, hội diễn chuyên và không chuyên trong, cũng như ngoài quân đội.
Chị đã không bỏ lỡ cơ hội khẳng định mình và tỏa sáng tại các cuộc thi. Chị nhanh chóng trở thành niềm tự hào của Đoàn nghệ thuật quân khu 9, khi liên tiếp giành những thành tích cao tại các cuộc thi, hội diễn: Huy chương Bạc, Truyền hình toàn quốc cho phim ca nhạc của Đài truyền hình Cần Thơ năm 1997; Huy chương Vàng, Truyền hình toàn quốc cho phim ca nhạc của Đài truyền hình Cần Thơ năm 1998; Giải Nhì tiết mục “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, Cuộc thi “Giai điệu Mùa Xuân và Người Chiến sĩ” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 1999; Huy chương Vàng tiết mục “Nu ri sa”, Cuộc thi “Giai điệu Mùa Xuân và Người Chiến sĩ” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 2001; Huy chương Vàng tiết mục “Khúc ca Hoa chúc”, Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 2003; Huy chương Bạc tiết mục “Những bông súng quê hương”, Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 2003; Huy chương Bạc tiết mục “Lính đồng bằng”, Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 2003; Huy chương Bạc, tiết mục “Nhớ về mẹ suốt”, “Dệt lụa đêm trăng”, Cuộc thi “Biểu diễn múa và Âm nhạc Dân tộc” do Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức năm 2003...
Với những thành tích nổi trội và liên tục như vậy, cuối năm 2003, chị được điều động trở lại Trường Đại học VHNT Quân đội để hoàn thiện kiến thức bậc đại học và chuẩn bị cho những dự định mới. Tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quân năm 2008, Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 đăng ký tham gia với vở nhạc kịch “Hai Người Mẹ” do Thiếu tướng An Thuyên chuyển thể từ Tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức.
Đây là một sự lựa chọn đầy mạo hiểm, chưa từng có tiền lệ, và càng khó khăn hơn với một đoàn nghệ thuật ở vùng sâu vùng xa như Đoàn nghệ thuận quân khu 9. Bởi đây là một vở Opera - nhạc kịch, một loại âm nhạc bác học đòi hỏi những nghệ sĩ tài năng, phải được đào tạo trình độ thanh nhạc bài bản và có kinh nghiệm thực diễn mới có thể hát cổ điển liền 90 phút trên sân khấu mà vẫn tròn vành rõ chữ, tuân thủ những quy định khắt khe của hát nhạc kịch.
Trong tình thế đó, tập thể Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 thêm một lần nữa đặt hết kỳ vọng vào Đại úy Hương Giang, người sở hữu chất giọng nữ cao (Soprano), vừa mang tính hùng ca, lại đậm đà màu sắc trữ tình để vào vai nhân vật chính là “chị Sứ”, hiện thân của người nữ Anh hùng Phan Thị Ràng có thật ngoài đời.
Nhận nhiệm vụ này, với Hương Giang là một áp lực không hề nhỏ. Bởi chị chưa từng tham gia một vở nhạc kịch nào trước đó. Cộng với giọng nói của chị Sứ trong vở nhạc kịch là đặc trưng của một nữ anh hùng miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ với nhiều sắc thái tình cảm và diễn biến tâm lý khác nhau. Ngay trong giới chuyên môn khi đó cũng chưa hoàn toàn thống nhất về quan điểm và tiêu chí đánh giá một vở nhạc kịch tham gia Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quân.
Để hiểu kỹ về nhân vật chị Sứ, Hương Giang không chỉ phải thuộc kịch bản, đọc đi đọc lại nhiều lần tiểu thuyết Hòn Đất của nhà văn Anh Đức, mà chị còn về Hòn Đất ở Kiên Giang, nơi chị Sứ và đồng đội sinh sống, chiến đấu để tìm hiểu các nhân vật có liên quan. Đồng thời chị cũng được anh chị em trong Đoàn nhiệt tình hỗ trợ việc phát âm cho chuẩn tiếng miền Nam trong các đoạn thoại của nhân vật chị Sứ.
Sau khi đã vượt qua được những khó khăn ban đầu, khi bước vào hợp luyện, những trở ngại mới vô cùng lớn lại tiếp tục nảy sinh, khiến Hương Giang không thể hoàn thành tốt phần hát của mình. Đó là diễn biến tâm lý của nhân vật chị Sứ và kịch tính từ cột truyện đã gây xúc động mạnh cho toàn bộ Ê kíp khiến Hương Giang gặp bối rối khi điều tiết cảm xúc. Chị cùng nhiều đồng đội không thể kìm được xúc động, nức nở khóc trong khi đang diễn. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hơi thở, giọng hát, âm sắc của chị khi thể hiện khiến tiết mục liên tục bị gián đoạn.
Ngay cả “cha đẻ” của vở nhạc kịch là nhạc sĩ An Thuyên, khi đó cũng không lường hết được tình huống phát sinh này, nên ông đã khuyên Hương Giang: “Vận dụng những kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm kết hợp với kinh nghiệm biểu diễn thực tiễn, hãy diễn theo cảm nhận âm nhạc trỗi dậy bên trong phù hợp với cảm thụ tuyến nhân vật của mình để kiểm soát tốt cảm xúc, điều tiết hơi thở đúng tính chất khi thể hiện bản Aria chị Sứ”.
[embed][/embed]
Nhớ lại những năm tháng quặn lòng phải để con thơ ở nhà cùng người thân, chị cùng đồng đội ngày đêm bám sân khâu tập luyện vở nhạc kịch, Hương Giang xúc động chia sẻ: “Thật sự ngày ấy dựng nhạc kịch là một nỗ lực rất lớn của Đoàn nghệ thuật Quân khu 9. Đoàn khó khăn đủ bề, quá trình luyện tập phải vượt qua rất nhiều trở ngại về vật chất lẫn tinh thần. Ngay cả khi lên đường ra Hà Nội tham dự liên hoan cũng rất thiếu thốn. Trưởng đoàn phải lăn lộn vay mượn lo cho anh em nghệ sĩ có đủ kinh phí để tham gia hội diễn, lại phải lo toan mọi bề để có thể biểu diễn tốt. Tôi nhớ mãi một sự cố là chiếc micro của diễn viên chính đã cũ bị gãy gập rồi rơi xuống vai. Đang diễn, tôi cũng bối rối quá, lặng đi. Nhưng xác định lại tinh thần, mic gặp sự cố thì vẫn hát, vì tuyến nhân vật đang xuyên suốt không thể dừng lại đổi mic. Tôi vẫn say sưa hát rất xúc cảm. Cả không gian rạp Nhà hát Quân đội bỗng lặng đi, khi lại vỡ oà lên theo từng cung bậc cảm xúc và diễn biến của nhân vật chị Sứ trên sân khấu...”
Khi vở nhạc kịch kết thúc, NSND Trung Kiên cùng các thành viên Ban Giám khảo đã không kìm được xúc động khi đánh giá về sự thành công xuất sắc của vở diễn nói chung và vai diễn chị Sứ nói riêng. Vở nhạc kịch đã giành giải Đặc biệt về cho Đoàn nghệ thuật Quân khu 9 và vai diễn chị Sứ do Hương Giang thể hiện cũng đã xuất sắc giành huy chương Vàng.
Với Hương Giang, tấm huy chương vàng này hơn cả sự thành công thuần tuý, mà đây thực sự là một sự trải nghiệm hạnh phúc nhất trong cuộc đời chị, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp ca hát của chị. Bởi từ đây, chị đã tự định hình và theo đuổi dòng nhạc thính phòng - trữ tình; cũng như tìm ra cho mình một phong cách hát trong sáng, nhẹ nhàng, tinh tế, giàu cảm xúc; linh hoạt khi xử lý các tác phẩm; kết hợp hài hoà giữa kỹ thuật thanh nhạc hàn lâm khi thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân ca một cách tinh tế, khéo léo; phân tích và tìm hiểu thật kỹ ý nghĩa văn học, nội dung và tinh thần tác phẩm trước khi thể hiện...!
Đây chính là những tiền đề giúp Hương Giang gặt hái những thành công vang dội tiếp theo trong giai đoạn công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội (2008 - 2014). Chị đã xuất sắc vượt qua nhiều nghệ sĩ tên tuổi trên mọi miền đất nước để giành các thành tích: Huy chương Bạc, tiết mục “Ở rừng nhớ anh”, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2009; Huy chương Vàng, tiết mục “Có một dòng suối trong lành”, Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn Quốc do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức năm 2012. Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2011 và 2012; Bằng khen của Bộ Quốc phòng tháng 4/2012 và tháng 10/2012.
Trong vai trò là một giảng viên Thanh nhạc, Trường đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội từ năm 2014 đến nay, Hương Giang tiếp tục khẳng định tài năng và nhiệt huyết của mình trong nghiên cứu khoa học, giáo dục Thanh nhạc và thực hành biểu diễn. Chị không chỉ bảo vệ thành công luận văn thạc sỹ và có nhiều nghiên cứu có liên quan về đề tài “Khai thác yếu tố kỹ thuật thanh nhạc trong giảng dạy và biểu diễn các ca khúc mang âm hưởng dân ca”, mà chị còn truyền cảm hứng và tình yêu nghệ thuật cho nhiều thế hệ học viên của nhà trường, cũng như đông đảo giới trẻ trong và ngoài quân đội.
Q.T