Người Nổi Tiếng
Trang tin tức giải trí, tiểu sử người nổi tiếng

Chuyện về gia đình Sài Gòn cúng toàn bộ điền sản để xây chùa

Giữa ồn ã phố thị, thiền viện Tuệ Quang (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM) an nhiên cùng tiếng chuông gió, bóng cây rợp mát. Và, câu chuyện về duyên khởi của thiền viện cũng khiến người nghe dấy lên những xúc cảm đặc biệt.

Chuyện về gia đình Sài Gòn cúng toàn bộ điền sản để xây chùa

Thiền viện Tuệ Quang. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Xây chùa để tròn đạo hiếu với mẹ

Được biết, tiền thân của thiền viện là ngôi chùa nhỏ có tên Huỳnh Võ. Người xưa kể rằng, Huỳnh Võ tự được xây dựng từ nỗi ân hận vì chưa tròn đạo hiếu với mẹ của người từng làm quan trấn thủ ở vùng Thủ Đức xưa.

Câu chuyện cảm động trên hiện vẫn được ông Mã Thành Công (79 tuổi), pháp danh Thông Hiểu lưu giữ, kể lại mỗi khi có cách viếng thăm thiền viện. Ông Công là cháu rể của ông Huỳnh Hữu Nho, người xây chùa Huỳnh Võ xưa kia.

Ông Công kể, tiền nhân của dòng họ Huỳnh là ông Huỳnh Văn Chừng theo chúa Nguyễn Ánh vào Nam lập nghiệp tại vùng Thủ Đức. Sau này, ông Chừng trở về Huế làm quan.

Trong khi đó, người cháu đời thứ ba của dòng họ là cụ Huỳnh Văn Đức vẫn ở lại Thủ Đức tiếp tục khai hoang, lập nghiệp. Về sau, ông tìm được mảnh đất có phong thủy tốt tại thôn Linh Xuân (nay là phường Linh Xuân) làm đất thổ mộ cho dòng họ.

Ông Công kể: “Chuyện xây chùa bắt đầu từ đời thứ sáu của dòng họ Huỳnh. Người này tên Huỳnh Hữu Nho. Ông Nho là ông ngoại của vợ tôi. Ông vốn là con cháu đời sau của ông Huỳnh Văn Đức, người được tương truyền khai phá ra vùng đất Thủ Đức”.

Ông Nho nổi tiếng hiền đức, hiếu thảo nên được người dân trong vùng mến mộ, tin yêu. Khi già yếu, cha mẹ ông Nho có ý định để lại hết điền sản cho ông. Tuy nhiên, ông đã khước từ quyền thừa kế vài trăm mẫu ruộng. Ông để lại hết số điền sản trên cho các chị, em gái của mình.

Ông chỉ xin giữ lại mảnh đất thổ mộ, nơi chôn cất, thờ phụng những người trong dòng họ. Ông Công chia sẻ: “Ngôi chùa Huỳnh Võ được ông Nho xây cất trên đất này sau khi mẹ ông mất được 3 tháng. Ông cụ xây chùa là để báo hiếu với mẹ”.

Chuyện về gia đình Sài Gòn cúng toàn bộ điền sản để xây chùa
Nơi đây là một trong những cơ sở khôi phục Thiền tông Việt Nam và phát triển tinh thần dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. (Ảnh: Nguyễn Sơn)

“Cụ ghi lại rằng: “Khi mẹ tôi còn tại thế cứ ao ước có một kiểng chùa cạnh đất thổ mộ để mẹ tôi đi chùa lễ Phật và thăm viếng ông bà. Mẹ tôi còn sống, tôi chưa làm được thì nay mẹ tôi khuất bóng lòng tôi ân hận, tự cho mình chưa tròn đạo hiếu với mẹ hiền, nên tôi quyết chí cất ngôi chùa cho mẹ tôi được ngậm cười nơi chín suối”, ông Công kể thêm.

Ba tháng sau khi cụ bà Võ Thị Sô (mẹ cụ Nho) mất, ông Huỳnh Hữu Nho xin phép xây chùa và đặt tên là Huỳnh Võ tự. Ông lấy họ cha và họ của mẹ ghép lại thành tên chùa với ý nghĩa đây là thiền môn của họ Huỳnh, họ Võ.

Hiến tất cả điền sản xây thiền viện

Chuyện về gia đình Sài Gòn cúng toàn bộ điền sản để xây chùa
Thiền viện luôn rợp bóng cây xanh cùng những tiểu cảnh được bố trí một cách hài hòa. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Sau khi xây cất xong Huỳnh Võ tự, cụ Nho đến Thiếu Lâm tự ở ấp Linh Chiểu Tây thuộc làng Linh Đông xưa để điều đình, thỉnh các tượng A Di Đà, Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Hộ Pháp… về chùa Huỳnh Võ.

Tuy nhiên, sau này, Huỳnh Võ tự chỉ giữ lại đại hồng chung, trống bát nhã. Tất cả các tượng thỉnh về, chùa đều cúng cho Hòa Thượng Thích Trí Đức ở chùa Huê Nghiêm đem về chùa Bửu Thiền trên núi Thị Vải, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Ông Công cũng cho biết, vì là chùa nhà nên Huỳnh Võ tự rất nhỏ, đơn sơ, lọt thỏm trong khu đất rộng bao la. Xung quanh ngôi chùa là các mộ phần của những người trong dòng họ Huỳnh.

Theo ông Công, mặc dù xây chùa để báo hiếu mẹ nhưng cụ Nho có tâm nguyện ngôi chùa Huỳnh Võ là nơi hoằng pháp, lợi sanh. Do đó, theo di nguyện của cha, năm 1967, con gái cụ là bà Huỳnh Thị Nga (sau này xuất gia là Sư cô Thích nữ Huệ Định) phát tâm cúng dường ngôi chùa Huỳnh Võ và toàn bộ khu đất để xây dựng Pháp Bảo Viện.

“Khi đó, khu đất có chùa Huỳnh Võ rộng hơn 47000m2. Ý tưởng của bà Nga là cúng dường khu đất này để xây dựng Pháp Bảo Viện, nơi các đại lão Hòa thượng sẽ phiên dịch Tam Tạng kinh điển. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, việc xây dựng Pháp Bảo Viện không thành”, ông Công chia sẻ.

Năm 1990, bà Nga cho tu bổ lại toàn bộ ngôi chùa Huỳnh Võ và xây dựng thêm phần Ni xá. Tuy nhiên, sau đó 3 năm, Nhà nước có kế hoạch xây dựng Khu chế xuất Sài Gòn-Linh Trung. Toàn bộ khu đất và chùa Huỳnh Võ đều nằm trong quy hoạch nên phải giải tỏa.

Chuyện về gia đình Sài Gòn cúng toàn bộ điền sản để xây chùa
Tháp chứa tro cốt những người trong dòng họ Huỳnh, dòng họ xây dựng chùa Huỳnh Võ- tiền thân của thiền viện Tuệ Quang. (Ảnh: Nguyễn Sơn).

Ông Công kể thêm: “Lúc này, chúng tôi đã dời chùa về khu đất mới tại phường Linh Trung ngày nay. Sau khi xây dựng xong chùa, hoàn tất các công trình phụ… gia đình chúng tôi lại cúng ngôi chùa cùng toàn bộ khu đất cho Hòa thượng Thích Thanh Từ để làm cơ sở khôi phục Thiền tông Việt Nam và phát triển tinh thần dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử”.

Sau này, Hòa thượng Thích Thanh Từ cho thay thế danh hiệu chùa Huỳnh Võ thành thiền viện Tuệ Quang. Theo ông Công, việc này được Thành hội Phật Giáo TP.HCM chấp thuận, ban hành QĐ số 702/QĐ/THPG ngày 19/11/2001 và công bố trong buổi lễ khánh thành lầu chuông, trống ngày 30/1/2002.

Sau khi hiến toàn bộ khu đất và chùa Huỳnh Võ, vợ chồng ông Công cũng xuất gia quy y tại thiền viện Tuệ Quang. Ông Công được đặt pháp danh Thông Hiểu. Tuy nhiên, hiện ông chỉ tu tập chứ không giữ bất cứ vị trí gì ở thiền viện.

Ông Công tâm sự, tro cốt, mộ phần của một số thành viên dòng họ Huỳnh đã được di dời về thiền viện Tuệ Quang như một cách tri ân người người xưa khai phá vùng đất Thủ Đức, xây chùa Huỳnh Võ. Tuy nhiên, ông vẫn tỏ ra tiếc nuối vì không thể lưu giữ được nhiều mộ chí của tiền nhân dòng họ.

Ông nói, trong chùa cũ có mộ phần của ông bà xưa. Mộ bằng đá xanh rất đẹp, nhưng không dời về thiền viện được. Bây giờ, những mộ phần ấy không còn nữa. Mộ ông Huỳnh Văn Đức trước đây nằm ở trong khu chế xuất Linh Trung.

“Lúc khu đất chưa giải tỏa để làm khu chế xuất, chúng tôi có ý cải táng, bốc mộ ông. Nhưng khi bốc mộ thì không còn gì, mọi thứ hóa đất cát cả. Còn chăng chỉ là ngôi mộ được xây cất bằng đá xanh trạm trổ những hoa văn tinh xảo. Sau này, mộ phần ấy cũng thất lạc hết”, ông Công nói trong tiếc nuối.

Chuyện về gia đình Sài Gòn cúng toàn bộ điền sản để xây chùa
Cảnh đẹp cùng không gian thanh tịnh khiến thiền viện được nhiều khách đến viếng thăm, ngắm cảnh. (Ảnh: Nguyễn Sơn).
Nguồn tin Vietnamnet