Người Nổi Tiếng
Trang tin tức giải trí, tiểu sử người nổi tiếng

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển: “Sứ giả văn hóa” đưa tín ngưỡng dân gian Việt Nam vượt biên giới

Ngay từ thuở ấu thơ, hình ảnh những vị thánh nhân đất Việt trong ‘đạo Mẫu’ đã in vào tâm trí nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển, để rồi hơn 30 năm sống thăng hoa bên những mảng màu sắc rực rỡ của công đồng, khăn áo, lễ hoa, ông tự tin mang nét đẹp văn hóa tâm linh ra nước bạn, như một “sứ giả” cần mẫn mang cái đẹp đi khắp thế giới.

Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển
Nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

Văn hóa dân gian là lẽ sống

Sinh ra tại làng hoa Ngọc Hà, Hà Nội, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển lớn lên trong một gia đình có truyền thống thực hành nghi thức diễn xướng hầu đồng. Từ nhỏ, ông đã có cơ hội theo mẹ và bà ngoại tới xem những giá đồng của các đồng thầy khác, đôi khi là giá đồng của chính bà hoặc mẹ. Truyền thống gia đình ấy đã nảy nở trong ông căn duyên đến với hầu đồng và tín ngưỡng thờ Mẫu một cách tự nhiên, như một cái duyên tiền định.

Khi vào đại học, cậu thanh niên Nguyễn Đức Hiển bắt đầu thực hành nghi thức hầu đồng. Nhưng không muốn chỉ dừng lại ở thực hành tín ngưỡng, cậu vẫn muốn tìm hiểu, nghiên cứu nghiêm túc và bài bản về các tín ngưỡng, tôn giáo nói chung, đặc biệt là trong môi trường quốc tế. Vì thế, sau khi tốt nghiệp 2 ngành Anh văn và Kinh tế – Luật tại Việt Nam, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển quyết định dành thêm 2 năm để theo học Thạc sỹ, chuyên ngành Văn hóa và giáo dục tại trường Đại học Dalarna, Thụy Điển. Sau đó, ông tiếp tục hoàn thành chương trình Tiến sĩ về quản lý giáo dục, và gần đây nhất, trong năm 2022, ông vinh dự nhận bằng Phó Giáo sư về Quản lý Giáo dục.

 nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển
Gần đây, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển đã nhận bằng Phó Giáo sư về Quản lý giáo dục

Với tình yêu văn hóa dân gian vô tận, cùng trí tuệ am hiểu tường tận về tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng, nghệ nhân văn hóa Nguyễn Đức Hiển nhiều lần được các trường đại học lớn nhỏ tại Việt Nam mời giảng dạy các tiết học, bộ môn liên qua tới tín ngưỡng dân gian. Ông cũng được nhiều kênh truyền hình mời nói chuyện, chia sẻ về lĩnh vực văn hóa. Mỗi dịp là một cơ hội để ông đến gần giới trẻ, giúp người trẻ hiểu thêm về nét đẹp văn hóa quê hương mình.

 nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

Không chỉ giảng dạy và diễn xướng tại Việt Nam, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển là một trong những đồng thầy ra nước ngoài diễn xướng nhiều nhất, mang theo sứ mệnh truyền bá những giá trị cốt lõi của tín ngưỡng thờ Mẫu đi xa vượt biên giới. “Mục đích, giá trị sâu xa của tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi thức hầu đồng chính là hướng về tổ tiên nguồn cội, báo ơn các vị thánh nhân đất Việt cũng như những bậc anh hùng có công xây dựng đất nước trong văn hóa dân gian. Để cộng đồng đều hiểu và trân trọng điều ấy, gánh nặng trước tiên sẽ thuộc về những người đang thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu như tôi vậy” – nghệ nhân văn hóa Đức Hiển chia sẻ.

Ông kể, ông đã nhiều lần đi nước ngoài để diễn xướng cho các nhóm kiều bào, tạo cơ hội cho họ tiếp xúc, tìm về văn hóa dân gian Việt Nam. “Từ 2016, khi tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ-Tứ phủ của người Việt chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, những chuyến đi hầu đồng xuyên biên giới mang đến cảm giác khác hẳn cho tôi. Đi diễn cho bạn bè ở nước ngoài đã là một niềm tự hào, nhưng đi với tư cách đại diện cho Việt Nam để truyền tải nét đẹp văn hóa từ xa xưa là niềm vinh dự và vui mừng khôn xiết” – nghệ nhân Nguyễn Đức Hiền bồi hồi tâm sự.

 nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

Với tấm bằng Thạc sỹ ngành Văn hóa và giáo dục được cấp tại Thụy Điển, ông Hiển hiện là Uỷ viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng Việt Nam (trực thuộc Hội nghiên cứu khoa học về Đông Nam Á – Việt Nam). Ông cũng được biết đến như một “đại sứ văn hóa” giới thiệu về hầu đồng trên kênh truyền hình quốc tế CNN, là người đầu tiên đưa trang phục hầu đồng lên sân khấu thời trang đương đại, là gương mặt tiêu biểu trong giới hoằng dương thờ Mẫu, thường xuyên nhận lời mời tham gia các sự kiện văn hóa hữu nghị-quốc tế như chương trình giao lưu diễn xướng tại Festival văn hóa 29 nước ASEAN tại Nam Ninh, Trung Quốc (2016), đi giao lưu văn hóa và diễn xướng tại một số thành phố ở Nhật Bản (2017), Hội thảo giao lưu văn hóa Việt Nam-Ấn Độ (2018), giao lưu với trường đào tạo múa tại Singapore và nhiều chương trình giao lưu văn hóa với quốc tế khác. Nghệ nhân văn hóa Nguyễn Đức Hiển cũng được rất nhiều tổng lãnh sự Việt Nam, đại sứ quán Việt Nam tại các nước Mỹ, Pháp, Singapo, Hàn Quốc… mời sang biểu diễn và nói chuyện về văn hóa. Điều ông hạnh phúc nhất là bạn bè quốc tế luôn đón nhận nồng nhiệt và dành tình cảm lớn cho đoàn công tác.

Đặc biệt hơn cả là năm 2018, kênh truyền hình CNN của Mỹ đã tới Việt Nam để thực hiện chương trình “Destination Hanoi” (một chương trình du lịch, khám phá văn hóa). Phóng sự đã giới thiệu về tín ngưỡng dân gian này. Cùng với vở diễn “Tứ phủ” của đạo diễn Việt Tú, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển và phủ Tiên Hương của ông ở Quốc Oai, Hà Nội đã được chọn để lên sóng. Đó là kỉ niệm thiêng liêng và hiếm có mà ông luôn ghi nhớ và tự hào.

Chia sẻ về Phủ Tiên Hương ở Quốc Oai, Hà Nội, nghệ nhân Đức Hiển tâm sự, đây là ngôi phủ do chính ông xây dựng nên, vừa dùng làm nơi lưu trữ, giao lưu văn hóa quốc tế, vừa giúp đỡ những người có căn quả được trình đồng mà không phải chi trả những khoản tốn kém ngoài khả năng của họ và không phải phụ thuộc vào những chủ đền khác. “Tôi muốn mọi người đến phủ có cảm giác như được về nhà, hào vào nhịp sống gần gũi thiên nhiên, được trở về đúng bản ngã của mình, không phải là không gian ma mị và mê tín”.

 nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

Sau những sự kiện nổi bật và gây tiếng vang lớn trong giới hoằng dương thờ Mẫu, năm 2019, đồng thầy Nguyễn Đức Hiển tiếp tục tạo dấu ấn khi trở thành người đầu tiên đưa khăn chầu áo ngự trong nghi thức hầu đồng lên sân khấu của chương trình “Tuần lễ thời trang và làm đẹp quốc tế tại Việt Nam”. Với ông, được sống với văn hóa dân gian thì dù ở đâu, ở sự kiện nào, ông cũng “cháy hết mình” và dốc tâm dốc sức với buổi diễn xướng đó.

nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

Yêu cái đẹp, “ươm mầm” tình yêu văn hóa cho giới trẻ

Nổi tiếng với vai trò nhà nghiên cứu chuyên sâu về tín ngưỡng thờ Mẫu, người đưa đạo Mẫu của Việt Nam ra quốc tế, nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển còn nghiên cứu về Phật giáo. Ông thực hiện nghiên cứu sinh tiến sỹ Phật học tại Viện Trần Nhân Tông, Đại học Quốc gia Hà Nội; còn được biết đến là một diễn giả, một giảng viên được nhiều trường đại học mời đến để chia sẻ với học sinh, sinh viên về những giá trị cốt lõi của đạo Phật, giúp bồi đắp tâm hồn, đạo đức, lối sống tích cực cho các em.

Nét đẹp văn hóa của Phật giáo hay đạo Mẫu vốn mang hơi hướng hàn lâm  đã được nghệ nhân văn hóa Đức Hiển khéo léo chuyển tải vào bài giảng, khiến người trẻ thấm nhuần một cách rất tự nhiên.

nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

“Chúng tôi chuyển tải qua những câu chuyện, những điều gần gũi với các em. Ví dụ, dạy về không nên giết hại các loài động vật, tôi đưa hình ảnh con cò đang sải cánh tự do trên đồng lúa, hình ảnh chim mẹ đang mớm mồi cho chim con, con chó đang chơi với con nó. Đó là hình ảnh cuộc sống bình yên của chúng. Và, các em sẽ thấy không nỡ lòng nào phá vỡ, tước đoạt cuộc sống đang bình yên và đầy yêu thương ấy. Khi giảng về không nói dối, tôi kể câu chuyện về một học sinh nói dối bố mẹ và gặp những bất trắc mà bố mẹ không biết để đến giúp đỡ kịp thời, không bảo vệ được con. Nói dối khiến người khác mất lòng tin, như câu chuyện kinh điển cậu bé chăn cừu…” – nghệ nhân Đức Hiển cho biết.

“Năm điều kiêng kỵ của đức Phật mở rộng ra rất nhiều. Tôi xây dựng khoảng 20 chuyên đề về các vấn đề gần gũi như “Đi tìm hạnh phúc trong nhân gian,” “Làm thế nào để vượt qua sóng gió cuộc đời?,” “Thế nào là hạnh phúc?,” “Tình yêu đich thực là gì?”… và lồng ghép triết lý của Phật giáo. Chúng tôi cũng tổ chức các khóa thiền, các buổi học Yoga để từ đó các em tĩnh tâm hơn và cảm nhận cuộc sống tốt hơn”, ông chia sẻ thêm, thậm chí, ông cũng đưa ra những câu chuyện về chính cuộc đời ông, những câu chuyện ông biết để các bạn sinh viên cùng thảo luận.

nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

“Khi tôi đi giảng ở Đại học VinUni về đạo Phật, về ngũ giới, giới định tuệ, tôi thấy các em ngồi im lặng lắm, tôi cảm tưởng hình như các em không muốn nghe. Nhưng sau những phút lắng đọng, các em hỏi rất nhiều. Cuối buổi, một số sinh viên đã ra gặp tôi, chia sẻ rằng các em rất xúc động, rất cảm ơn tôi đã nói được những điều các em băn khoăn” – nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển tâm sự.

Sắp tới, bên cạnh những buổi diễn xướng vốn là lẽ sống của mình, nghệ nhân Đức Hiển còn dốc sức cho công tác giảng dạy nhiều hơn. Ông chia sẻ, ông muốn mở rộng nội dung giảng dạy cho người trẻ hơn về chánh niệm, giới định tuệ, bát chánh đạo. Bên cạnh các bài giảng dành cho học sinh, sinh viên, ông cũng xây dựng các bài giảng dành cho người lớn và đã đi diễn thuyết ở nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương như Điện Biên, Thái Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Đà Nẵng, Hội An…

nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển

Với nghệ nhân Nguyễn Đức Hiển, hành trình làm “sứ giả văn hóa” đi truyền tải những nét đẹp văn hóa Phật giáo, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn còn rất dài. Ông bảo, ông luôn muốn đặt chân đến nhiều tỉnh thành hơn, nhiều quốc gia hơn, được mang tình yêu và trí tuệ thấu hiểu văn hóa dân gian Việt Nam đi xa hơn nữa, để làm sao, giới trẻ cũng như mọi người dân hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, trân trọng và giữ gìn nét đẹp đó đến muôn đời sau.

P.V