Theo chân NSƯT Hương Giang về thăm Đình So vào những ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, chúng tôi được chính quyền địa phương và Ban Quản lý di tích kể về nguồn gốc ngôi đình gần 400 tuổi.
Theo đó, đình So được xây dựng với niên đại khoảng thế kỷ XVII, thờ ba anh em họ Cao đã có công phù giúp vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân và đã trở thành những vị thần linh thiêng của làng. Nhân dân làng So xưa kia và ngày nay thờ các thần để tưởng nhớ công lao với dân với nước và cầu mong các thần phù hộ cho dân làng bình an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Kiến trúc của đình So được các nhà nghiên cứu đánh giá và công nhận là một trong những ngôi đình cổ có kiến trúc mẫu mực nhất. Sơ khai đình là một ngôi miếu nhỏ được xây dựng vào thời nhà Đinh (968-980) thờ tam vị nguyên soái đại vương. Đến năm 1673 thời Lê Trung Hưng (1533-1788), miếu được tu bổ cũng như mở rộng thành đình và công trình hoàn thành vào văn 1674. Đến năm 1953 làng So tách làm hai xã Tân Hòa và Cộng Hòa thì cả hai xã có chung một đình So, đây là điều đặc biệt của di tích này. Quy mô hiện nay của đình là kiến trúc theo kiểu nội công ngoại quốc trên diện tích 1.100m2. Tổng cộng tất cả toà ngang dãy dọc của đình là 55 gian, với 64 cột lớn nhỏ.
Trải qua 4 lần tu sửa và những thăng trầm của lịch sử, ngôi đình có kiến trúc vừa hài hòa với cảnh sắc thiên nhiên, vừa mang đầy đủ dáng dấp của ngôi đình cổ Việt nhưng vẫn thể hiện sự tinh xảo, cầu kỳ về tinh hoa nghệ thuật. Trong đó, cổng tam quan có kiến trúc 2 tầng, 3 gian, 4 mái, hai bên là hai lối cửa nhỏ để ra vào. Các họa tiết trang trí và chạm khắc trên nóc tam quan vẫn còn giữ được nguyên vẹn, đẹp và tinh xảo. Đình nằm gối lên núi Rùa, trước mặt là đê sông Đáy đã được nắn dòng tạo thành hình như một hồ nước hình bán nguyệt.
Đình So hiện nay còn lưu giữ được các di vật có giá trị tiêu biểu như: Hai tấm bia nói về quá trình xây dựng và các đợt trùng tu đình, hệ thống tảng kê chân cột tạc theo kiểu hoa sen có trong Đại đình. Đôi rồng đá được chạm khắc tỉ mỉ đặt ở hai bên bậc lên dẫn vào Đại đình, bộ kiệu bát cống được tạo tác rất công phu cũng là một điểm nhấn trong hệ thống các di vật có trong đình So. Ngoài ra còn có các di vật gỗ, đồng, vải vẫn được thờ tự và bảo quản tại đình. Đây là ngôi đình hiếm hoi duy nhất còn sót lại của miền đất xứ Đoài đến nay vẫn được bảo tồn nguyên vẹn.
Các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng tại đình So từ trước đến nay đều liên quan đến tục thờ Thành hoàng. Trong năm, hoạt động tín ngưỡng quan trọng nhất là ngày hội làng. Đây là dịp để tưởng nhớ công đức của Thành hoàng làng, đồng thời cố kết cộng đồng, biểu dương những giá trị của đời sống tâm linh, đời sống xã hội và văn hóa cộng đồng.
Lễ hội đình làng ngày nay được tổ chức trong thời gian 3 ngày từ 8 đến 10 tháng 2 Âm lịch hàng năm. Bên cạnh phần lễ thì phần hội ở đây cũng được diễn ra khá sôi động, các trò chơi và diễn xướng dân gian gồm có: Cờ người, bắt trạch trong chum, bắt dê… tại sân đình. Các trò chơi này được các chức dịch trong làng phân công người quản lý và chỉ đạo cuộc chơi.
[embed][/embed]
Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, lễ hội, kiến trúc, điêu khắc, nghệ thuật… như đã điểm qua ở trên, đình So đã đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách thập phương trong các tour du lịch văn hóa tâm linh và lịch sử. Tháng 12/2018, đình So được xếp hạng là di tích Quốc gia đặc biệt.
Theo Nhà báo Vương Xuân Nguyên, Đình So không chỉ nổi tiếng về nghệ thuật kiến trúc độc đáo với danh xưng "Danh lam đệ nhất xứ Đoài", mà còn độc đáo bởi nhân vật lịch sử, nơi thờ Tam vị hiện thông Nguyên soái Đại vương cùng 300 tráng sĩ Làng So có công lớn trong việc phò vua Đinh thống nhất 12 sứ quân ở Thế kỷ thứ X. Ngôi đình ngự giữa phong cảnh sơn thủy hữu tình, tựa lưng vào các dãy núi "Long - Ly - Quy - Phượng", nhìn ra sông Đáy "lững lờ chảy qua Phủ Quốc", xa xa là Điện Kính Thiên của Kinh thành Thăng Long xưa, Trung tâm văn hoá chính trị Ba Đình - Thủ đô Hà Nội hiện nay.
"Về với Làng So, làng Việt cổ du khách còn được trải nghiệm nhiều di chỉ văn hoá nổi tiếng khác như chùa Lạc Lâm Tự, Quán Ông, Quán Bà, Núi Rồng, Núi Quy, Giếng Gươm, Điếm Trung, Văn Chỉ...kết nối chuỗi du lịch nổi tiếng xứ Đoài gồm chùa Tây Phương, chùa Thầy, chùa Trăm gian, núi Trầm; được thưởng thức nhiều món ăn quê hương như: Miến dong, Bánh hòn, Chè kho...đậm đà bản sắc; Được sải bước trên những cánh đồng "Làng lúa Làng hoa" rực rỡ sắc màu ngoại thành Hà Nội đang thay da đổi thịt hàng ngày và khám phá bao vẻ đẹp tiềm ẩn và trầm tích văn hóa ngàn năm về nguồn gốc Vương Tộc Đại Việt, văn hoá "Kẻ So" gắn với công tích của các bậc tiền nhân, lương tướng năng thần ở "Trang Sơn Lộ" xưa và Làng So hiện nay...", Nhà báo Vương Xuân Nguyên chia sẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh của NSƯT Hương Giang trải nghiệm tại Di tích Đình So:
H.A