Hạnh Phúc Máu: Phim giật gân nửa mùa, nội dung quá ngô nghê

Là một trong những khán giả đầu tiên được thưởng thức Hạnh Phúc Máu, tôi đánh giá kịch bản phim không mới mẻ, thậm chí là thiếu sự hấp dẫn cần có ở một tác phẩm giật gân, tâm lý. Về mặt ý tưởng, tôi nghĩ câu chuyện quá khứ của bà chủ nhà Vương Đình (NSƯT Kim Xuân) đến những bí mật phía sau một gia tộc bề thế nghe có vẻ dễ gây tò mò, thu hút người xem. Tuy nhiên, khi triển khai nội dung, kịch bản lại rối rắm, đi vào ngõ cụt để rồi cái gì không giải quyết được, biên kịch sẽ bỏ qua.

Đơn cử như hồi 1, phim giới thiệu cho chúng ta biết tại một vùng nọ, có một giáo phái tín ngưỡng cực đoan đang quay trở lại và nhen nhóm ý đồ xấu qua một bản tin radio. Không cần phải nói, ai cũng sẽ hình dung ra gia đình nhà họ Vương Đình chính là cái nôi của phong tục, tín ngưỡng này. Tuy nhiên, theo dõi chán chê đủ màn làm lễ kỳ dị, đến cuối cùng, người xem không nhận một lời giải thích nào về việc nguyên nhân, cội nguồn của đức tin này là gì, nó có thật hay không, khoa học hay cơ quan pháp lý chứng minh nó như thế nào. Khi không giải quyết được vấn đề, biên kịch liền bỏ lửng ở đó, chỉ thông qua một chi tiết An (Dược sĩ Tiến) nói rằng tất cả là do Phong (Hữu Tài) làm và bà chủ (NSƯT Kim Xuân) lập tức nghe theo, bỏ luôn cả đức tin của mình. Ủa con chiên ngoan đạo gì mà ngộ ha?

Hai cú twist của phim thì quả thực quá dễ đoán. Nhưng điều làm tôi cảm thấy không hài lòng nhất có lẽ là việc biên kịch cố tình bẻ lái để tỏ ra nguy hiểm. Tuy nhiên, khi chốt lại vấn đề thì câu chuyện vẫn chỉ loanh quanh ở chuyện báo thù. Tôi chưa hiểu phim muốn truyền tải thông điệp gì, khi cuối cùng chỉ vì “nghiệp” của 1 người mà để cho cả 1 gia đình vô tội gánh.

Vì kịch bản vốn đã không chắc tay, nên dĩ nhiên thoại trong phim cũng thiếu tự nhiên, nghe kịch vô cùng. Cộng với màn diễn xuất gượng gạo của Dược sĩ Tiến lẫn Hữu Tài thì tôi nhận về một combo nam chính siêu “tấu hài”. Hãy thử tưởng tượng, bạn ra rạp để xem phim giật gân, vậy mà cuối cùng đến phân cảnh gay cấn của 2 nam chính thì phải ôm bụng cười vì sự vụng về, ngô nghê, gượng gạo của họ.

Nhân vật An đi Mỹ về được mấy hôm, vận dụng một vài kiến thức về thuốc Tây y của mình cùng mấy phán đoán chỉ trong 30 giây liền ập vào chốt hạ Phong chính là chủ mưu mọi tai hoạ trong nhà. Vậy mà nhân vật này cũng gật đầu, nhận luôn tội. Những phân cảnh tưởng là căng não nhất mà tôi thấy cả rạp bật cười khanh khách. Ngay cả những đoạn hù doạ cũng làm người xem thấy như đang coi hề vì quá trẻ con.

Diễn xuất của cô Kim Xuân có lẽ là điểm sáng nhất trong phim. Vai diễn của cô khá nặng về nội tâm, phải vào vai người phụ nữ khắc khổ, gồng gánh cả một gia tộc nhưng ẩn sâu bên trong là nỗi uất hận vì bị phản bội, luôn canh cánh lo sợ khi muốn bảo vệ con cái. Đôi mắt khi nào cũng ầng ẫng lệ của cô làm tôi có chút động lòng.

Song cũng là do lời thoại đã hại cô. Nhiều phân cảnh, ngôn từ của nhân vật này kịch và thiếu sự chân thực. Nên cô Kim Xuân cũng phải nương theo mà diễn, vì vậy mà nét của cô đâu đó vẫn còn khá ước lệ theo hướng sân khấu.

Nói tóm lại, tôi thấy đây là một bộ phim không xuất sắc, ở mức 5/10. Nếu bạn yêu mến cô Kim Xuân và dàn sao gạo cội thì có thể ra rạp để thưởng thức và ủng hộ các nghệ sĩ.

Tôi nghĩ, bộ phim này sẽ phù hợp với khán giả đang tìm kiếm một tác phẩm giải trí không cần suy nghĩ quá nhiều, có đủ mọi yếu tố từ hài hước, giật gân cho tới cả tâm lý, tình cảm.

 

Dienanh.net