Cơ duyên với nghệ thuật - hành trình đến với múa rối của nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng
Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, một trong những gương mặt kỳ cựu của làng múa rối nước Việt Nam, đã gắn bó với loại hình nghệ thuật truyền thống này như một duyên phận tự nhiên từ gia đình. Đối với anh, múa rối không chỉ là nghề nghiệp mà còn là di sản của gia đình, là nền tảng từ những ngày thơ ấu. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã sớm được tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật sân khấu và đặc biệt là múa rối nước. Lớn lên tại Khu tập thể Nhà hát, ký ức tuổi thơ của anh luôn gắn liền với hình ảnh những con rối, các vở diễn dân gian, hòa cùng tiếng cười rộn rã từ những buổi biểu diễn “tự phát”cùng đám bạn đồng trang lứa. Đó không chỉ là trò chơi mà còn là hành trang đầu đời giúp anh hiểu và yêu thích nghệ thuật rối. Anh chia sẻ rằng, ngay từ nhỏ, anh đã có những trải nghiệm thực tế khi “chơi đùa” với con rối và nhờ đó, các động tác và kỹ năng điều khiển rối dường như ngấm vào máu thịt.
Tuy vậy, sự nghiệp của NSND Nguyễn Tiến Dũng lại không bắt đầu bằng nghề múa rối, anh đầu quân cho Nhà hát Kịch Quân đội với vai trò là nghệ sĩ kịch nói và đã đạt được những thành tựu nhất định. Song cơ duyên đưa đẩy, chàng trai trẻ ấy vẫn quay về với rối và trở thành diễn viên Nhà hát Múa rối Việt Nam năm 1998. Bằng sự yêu thích, cần cù, sự thẩm thấu tới tâm hồn, máu thịt với nghề rối khiến anh nhanh chóng chinh phục được loại hình nghệ thuật này. Là “con nhà nòi,” NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ bên cạnh việc tự trau dồi và rèn luyện bản thân, yếu tố “con nhà nòi” cũng là lợi thế giúp anh dễ dàng nắm bắt những kiến thức và kỹ năng về múa rối nước hơn. Chính lợi thế đó giúp anh nhanh chóng tiếp cận và thành thạo các thể loại múa rối và có những phương pháp biểu diễn rất riêng. Đến năm 2007, anh bắt đầu theo học chuyên ngành đạo diễn, từ một diễn viên múa rối, anh dần khẳng định mình trong vai trò đạo diễn, đưa ra những sáng tạo độc đáo và đem đến sức sống mới cho bộ môn nghệ thuật truyền thống này.
Quá trình phát triển nghề nghiệp của anh cứ thế diễn ra tự nhiên, với sự hỗ trợ to lớn từ kinh nghiệm và kiến thức tích lũy từ chính gia đình của mình. Chính những trải nghiệm đời thường mà NSND Nguyễn Tiến Dũng tích lũy từ nhỏ đã giúp anh trở thành một nghệ sĩ biểu diễn tài năng, cùng một trái tim nhạy cảm và khả năng truyền tải cảm xúc sâu sắc qua từng động tác của con rối.
26 năm chặng hành trình gìn giữ tinh hoa dân tộc
Múa rối là một loại hình nghệ thuật đặc thù với tiếng nói vô cùng độc đáo, mang “tính kỳ ngộ” – vừa kỳ ảo vừa ngộ nghĩnh, tạo sức hút đặc biệt với công chúng. Múa rối không chỉ phong phú về nội dung mà còn đa dạng về cách thể hiện, từ các động tác nhào lộn đến những màn biểu diễn bay lượn trên không, điều mà ít loại hình nghệ thuật nào có thể làm được.
Theo NSND Nguyễn Tiến Dũng, loại hình nghệ thuật này đã phủ sóng hầu hết dải đất hình chữ S, từ các thành phố lớn đến những nơi vùng sâu vùng xa. Bên cạnh đó, Nhà hát Múa rối đã mang nghệ thuật truyền thống này đến khắp các châu lục, minh chứng cho sức lan tỏa của múa rối Việt Nam với khán giả quốc tế. Tuy vậy, anh vẫn luôn mong mỏi được đưa múa rối nước đến Trường Sa – vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong quá trình bảo tồn, Nhà hát đã gìn giữ và phát huy 16 trò rối cổ tiêu biểu của các làng nghề truyền thống. Đồng thời, các nghệ sĩ còn sáng tạo, cải tiến những trò diễn này với kỹ thuật cao hơn, phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Nhờ vậy, nghệ thuật múa rối nước ngày càng phát triển bền vững, trở thành niềm tự hào của văn hóa Việt Nam.
NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ rằng nguồn tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nghiên cứu và sưu tầm để giữ gìn nghệ thuật truyền thống. Mặc dù Nhà hát được Bộ Văn hóa hỗ trợ cơ sở vật chất, song anh nhấn mạnh “để đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại 4.0, trang thiết bị vẫn cần được đầu tư hơn nữa”. Anh cho rằng, chỉ khi điều kiện cơ sở vật chất đầy đủ, hiện đại thì các buổi biểu diễn mới có thể tạo được dấu ấn đặc biệt, đáp ứng mong đợi của công chúng.
Một khó khăn lớn khác mà Nhà hát đang phải đối mặt xuất phát từ xu thế lớp trẻ hiện nay ít quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống. Để thu hút các bạn trẻ , anh cho rằng cần có chế độ đãi ngộ xứng đáng, nhằm khuyến khích sự tham gia sáng tạo và cống hiến của các nghệ sĩ. Đồng thời, anh cũng chân thành chia sẻ khó khăn khi thời gian hoạt động không cố định, phụ thuộc vào kế hoạch và lịch trình biểu diễn. Nghệ sĩ múa rối vừa phải cân bằng thời gian để luyện tập và biểu diễn, vừa phải sẵn sàng thích nghi với các điều kiện biểu diễn khắc nghiệt.
Cũng liên quan đến những khó khăn mà Nhà hát từng trải qua, NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ: “Vào thời điểm COVID-19, anh em trong Nhà hát cực kỳ khó khăn về đời sống. Đồng thời có rất nhiều yếu tố tâm lý tác động vào mình ở góc độ làm Giám đốc Nhà hát. Đó là tâm lý từ xã hội, dịch bệnh, tâm lý cần phải gìn giữ cho gia đình của mình, gìn giữ cho cộng đồng. Trong hai năm, Nhà hát phải đóng băng toàn bộ mọi hoạt động biểu diễn, luyện tập và gần như sự tồn tại, phát triển của Nhà hát như bị chững lại. Câu hỏi đặt ra là không biết sau này sẽ thế nào đây? Mình sẽ hồi lại thế nào đây? Tuy nhiên, vượt qua giai đoạn khó khăn đó rồi, các nghệ sĩ Nhà hát lại vẫn tiếp tục ra sản phẩm mới, trau dồi kỹ năng và không ngừng nỗ lực, tiếp tục sáng tạo để giữ gìn nghệ thuật dân tộc”.
Có thể thấy 26 năm chặng hành trình đồng hành cùng nghệ thuật múa rối của NSND Nguyễn Tiến Dũng tựa như một vở diễn với đầy đủ cung bậc hỉ, nộ, ái, ố. Trên con đường ấy, anh đã trải qua vô vàn thách thức, song với tình yêu và hoài bão đặt trọn vào từng con rối, anh vẫn vững lòng trong hành trình bảo tồn nghệ thuật truyền thống Việt Nam.
Hoài bão đưa múa rối Việt Nam vươn tầm quốc tế
Múa rối nước vẫn luôn là độc nhất vô nhị bởi lẽ nó xuất phát từ đời sống lao động hàng ngày và đã được nâng tầm lên trở thành loại hình sân khấu biểu diễn nghệ thuật độc đáo của Việt Nam. Và đó cũng là niềm tự hào đối với những người nghệ sĩ khi đã đem chuông đi đánh nước người, đưa bản sắc dân tộc ra quốc tế. “Khi sang quốc tế biểu diễn, từ không khí, đến cách mọi người đón nhận, hâm mộ sau mỗi một đêm diễn thật sự rất tuyệt vời” - NSND Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.
Múa rối đã hữu xã tự nhiên hương đi khắp thế giới, có mặt ở rất nhiều quốc gia, và cho dù là đi đến đâu thì nó vẫn được xem là yếu tố điểm nhấn về văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Trên thực tế, riêng đối với Nhà hát Múa rối nước Việt Nam đã đặt chân đến hơn 70 đất nước và vùng lãnh thổ, đã tổ chức hàng trăm buổi biểu diễn ở nước ngoài và thu hút hàng ngàn khán giả trong mỗi một đêm diễn. Một mặt khác, du khách nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, họ đều tìm đến với các Nhà hát Múa rối nước để được tận mắt chiêm ngưỡng, thưởng thức nét nghệ thuật biểu diễn đậm chất hồn Việt ấy.
Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến lưu diễn ở nước ngoài của mình, NSND Nguyễn Tiến Dũng đã chia sẻ với chúng tôi rằng “Kỷ niệm thì vui có, buồn có nhưng mà để tiêu biểu nhất thì là có hai lần, một lần ở Croatia, một lần ở Pháp, khi vận chuyển đến, dở đồ biểu diễn ra để dựng thì phát hiện thất lạc hoàn toàn bể nước. Múa rối mà không có bể nước thì diễn thế nào ? Múa rối nước mà không có bể nước thì có còn là múa rối nước nữa không ? Ngay trong đêm, toàn thể ban tổ chức đã phải họp bàn và tìm ra phương án để bắt buộc tìm ra bể nước, và lập tức trong đêm, các anh em đã kiếm sắt, kiếm gỗ… hay bất kể vật dụng gì sử dụng được để kết lại, giằng lại, chăng lại và đến hôm sau đã tạo được một bể nước đúng tiêu chuẩn để cho anh chị em nghệ sĩ biểu diễn, mà không ảnh hưởng đến tiến độ của chương trình nghệ thuật”.
Trong những năm trở lại đây, có lẽ múa rối nước đang rơi vào giai đoạn bão hòa khi mà nó đã phủ sóng khắp châu lục, bạn bè quốc tế đã có nhiều cơ hội để thưởng thức. NSND Nguyễn Tiến Dũng cũng thật lòng chia sẻ “Một món ăn dù ngon đến mấy mà mình ăn nhiều lần, ăn mãi thì cũng chán… Vậy nên mình phải nấu lại món ăn này theo một phương thức mới cho phù hợp hơn với thị hiếu công chúng quốc tế”. Để tạo được diện mạo hoàn mỹ hơn cho nghệ thuật múa rối nước Việt Nam trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hiện nay, yêu cầu đặt ra với những người làm nghề là cần phải thổi làn gió đương đại vào nghệ thuật múa rối; phải biến ảo hơn về kỹ thuật điều khiển, biểu diễn; phải công phu hơn về khai thác tạo hình, giải phẫu bộ máy con rối và phải tinh tế, nhạy cảm hơn trong cách truyền tải âm nhạc dân tộc.
Quá trình ấy chắc chắn vẫn còn là một chặng hành trình dài phía trước với những nghệ sĩ múa rối nước như NSND Nguyễn Tiến Dũng. Và trên con đường ấy, cần lắm những bạn trẻ có đam mê, hoài bão với nghệ thuật truyền thống Việt Nam nói chung và múa rối nói riêng, để trở thành những lực lượng kế cận của nhà hát, để tiếp tục đưa múa rối Việt Nam vươn xa hơn trên bản đồ quốc tế.