Người châu Phi đầu tiên đoạt giải thưởng kiến trúc danh giá nhất thế giới

Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 4 thập kỷ từ khi thành lập, giải kiến trúc Pritzker gọi tên một kiến trúc sư đến từ châu Phi.
Lần đầu tiên trong lịch sử hơn 4 thập kỷ từ khi thành lập, giải kiến trúc Pritzker gọi tên một kiến trúc sư đến từ châu Phi.
Chiêm ngưỡng những nhà ga đẹp nhất thế giới Chuyến du ngoạn tới 11 thành phố cổ nhất thế giớiTòa tháp nghiêng 136 tuổi ở Malaysia
Diébédo Francis Kéré là người châu Phi đầu tiên đoạt giải thưởng kiến trúc Pritzker. (Nguồn: dw.com)
Diébédo Francis Kéré là người châu Phi đầu tiên đoạt giải thưởng kiến trúc Pritzker. (Nguồn: dw.com)

Diébédo Francis Kéré, 57 tuổi đã vượt qua một chặng đường dài từ ngôi làng Gando ở Burkina Faso đến Technische Universität Berlin, một trong những ngôi trường nổi tiếng của châu Âu, cho đến khi giành được Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2022 – giải thưởng danh giá nhất trên thế giới về kiến trúc.

Những bước khởi đầu

Diébédo Francis Kéré giành được học bổng du học Đức năm 1995. Khi đã học thành tài, ông biết mình phải trở về Gando để xây dựng một trường học ở quê nhà. Ông kêu gọi bạn bè đóng góp và tiết kiệm đủ 50.000 USD để trở về.

Khi Kéré nói muốn xây một trường học, người dân nơi đây rất phấn khởi. Nhưng khi ông ấy nói ngôi trường sẽ được xây bằng bùn, họ rất đỗi kinh ngạc. Ngôi trường sẽ ra sao khi gặp mưa và lũ lụt?

Sau nhiều lần nói chuyện và cho họ xem bản thiết kế, Kéré đã thuyết phục được họ. Và công việc bắt đầu với những khối đá được đập nhỏ và nghiền thành bột để làm gạch và lát sàn.

Cộng đồng chung sức với nhau, đập đá và đập sỏi bằng các công cụ thô sơ, cho đến khi kết cấu thô cứng nhường chỗ cho đất sét. Đến năm 2001, ngôi trường được khánh thành.

Năm 2004, dự án đã giành được Giải thưởng Kiến trúc Aga Khan.

Chẳng bao lâu, người ta xây thêm để mở rộng ngôi trường và thư viện. Trong mỗi công việc, Kéré hướng tới cộng đồng, sử dụng đất sét và dùng các vật liệu đời thường như nồi đất để thổi làn gió mới vào các công trình của mình.

Diébédo Francis Kéré tập hợp những người bạn từ thời đại học và thành lập Kéré Foundation, một tổ chức phi chính phủ chuyên xây dựng các dự án ở Gando.

Đến năm 2005, ông mở văn phòng riêng với tên gọi Kéré Architecture, lập ra các chi nhánh ở Đức và Burkina Faso.

Ngôi trường tiểu học ở Gando. (Nguồn: Twitter)
Ngôi trường tiểu học ở Gando. (Nguồn: Twitter)

Cầu nối giữa văn hóa phương Tây và châu Phi

Kéré coi mình là cầu nối giữa các nền văn hóa của phương Tây và châu Phi, và các công trình là công cụ để thực hiện mục tiêu đó

“Trước khi bắt đầu làm việc, tôi đào tạo nhân viên về tầm nhìn của tôi, những gì họ cần phải làm để có thể hướng tới điều đó cũng như lan toả cho những người khác”.

Làm việc giữa những người coi bê tông là biểu tượng của chủ nghĩa hiện đại, vị kiến trúc sư này chọn một con đường riêng dẫu biết khó đi.

Trong tài liệu dự án của mình, Kéré viết: “Mục đích của dự án là mang lại cảm giác thoải mái cho mọi người ở mọi tầng lớp xã hội... Chúng tôi hy vọng sẽ mở ra một không gian yên tĩnh khỏi ồn ào trong thành phố và một lối thoát xanh khỏi khói bụi, với kiến ​​trúc chú trọng đến vật liệu địa phương và phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng”.

Khi thực hiện dự án Trường Benga Riverside ở Tete, Mozambique (2018), ông ấy đã tạo ra không gian uyển chuyển trong một tòa nhà hình elip bằng cách sử dụng gỗ bạch đàn cho mặt ngoài và tạo ra bức tường có lỗ thông khí để lấy ánh sáng.

Tại Trung tâm Y tế và phúc lợi xã hội ở Loango, Burkina Faso (2014), ông đã thiết kế các cửa sổ có độ cao khác nhau để tạo ra tầm nhìn linh hoạt.

"Tận trong tâm khảm, Kéré hiểu rằng, kiến trúc không phải là công trình mà là mục tiêu của công trình đó; không phải sản phẩm, mà là quá trình”. (Hội đồng giải thưởng Pritzker)

Ông Kéré thừa nhận ảnh hưởng của kiến ​​trúc sư người Mỹ gốc Đức Mies van der Rohe vì triết lý “càng tối giản càng tốt” và kiến ​​trúc sư người Mỹ gốc Estonia Louis Kahn với niềm tin rằng kiến ​​trúc cải thiện cuộc sống của con người.

Chính việc xem xét các quy tắc văn hóa và ý thức sâu sắc của ông ấy về việc cống hiến cho đất nước và con người đã làm cho các tác phẩm của Kéré trở nên độc đáo.

Các dự án của ông trải dài khắp châu Phi, bao gồm Togo, Kenya, Togo và Sudan và châu Âu như Đan Mạch, Đức, Italy, Thụy Sỹ, Anh và Mỹ.

Công viên quốc gia Mali do Diébédo Francis Kéré xây dựng. (Nguồn: Twitter)
Công viên quốc gia Mali do Diébédo Francis Kéré xây dựng. (Nguồn: Twitter)

Hội đồng giải thưởng Pritzker: Ở Francis Kéré có sự hiện diện của kiến trúc tiên phong, bền vững với trái đất và cư dân, những người có cuộc sống nghèo khó. Ông là kiến trúc sư, cũng là người phục vụ, cải thiện cuộc sống cho vô số cư dân ở những vùng đất tưởng chừng như bị lãng quên…

Thông qua những tòa nhà thể hiện vẻ đẹp, sự khiêm tốn, táo bạo, sáng tạo cũng như bằng sự toàn vẹn của kiến trúc và phong cách riêng của mình, Kéré đã đề cao sứ mệnh của Giải thưởng một cách đầy tinh tế.

BaoQuocte