Trong khi thế giới đang chứng kiến những bước tiến vượt bậc của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong lĩnh vực video, với sự ra mắt của Sora - một mô hình AI có thể tạo ra những video thực tế và sáng tạo từ các chỉ dẫn bằng văn bản của OpenAI,, một đạo diễn Việt Nam đã làm nên kỳ tích khi tạo ra phim AI hoàn chỉnh bằng 100% điện thoại. Đó là đạo diễn Phạm Vĩnh Khương, người được mệnh danh là “ông trùm” làm phim trên điện thoại.
Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đã hợp tác với Runway - một nền tảng cho các nhà làm phim sử dụng AI, để tạo ra phim ngắn “Giấc mơ Trung Hoa” (Chinese Dream). Phim nói về sự quan ngại của loài người đối với sự phát triển vượt bậc của công nghệ tương lai, với thông điệp từ cách anh đặt ra câu hỏi “Tại sao chúng ta nỗ lực chạy đua công nghệ, song lại ngờ vực tương lai phải đối đầu với nó?” Phim được anh lên ý tưởng, kịch bản và “làm văn từ prompt AI” với hơn 100 giờ.
Đây là lần đầu tiên anh “khai sinh” thể loại phim “Siêu Tưởng” với sự kết hợp giữa trường phái trừu tượng, viễn tưởng, mang hình bóng ẩn dụ. Dạng phim này thị trường không dễ nuốt trôi, nên chắc chắn sẽ kén thị phần người xem, chỉ phù hợp với những ai có tính phân tích và liên tưởng nghệ thuật cao. Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương dùng chính sự chắp vá hình ảnh hòa trộn của trí tuệ nhân tạo (AI) để biến nó trở thành các tác phẩm có mạch truyện cụ thể, có mục tiêu rõ ràng thay vì chỉ là các trailer demo mà chúng ta từng nhìn thấy trước đó.
Phim của đạo diễn Phạm Vĩnh Khương đã thu hút sự chú ý và khen ngợi của nhiều nhà làm phim, nhà phê bình và khán giả trong và ngoài nước. Vị đạo diễn trẻ đã chứng minh được khả năng sáng tạo và đột phá của mình, cũng như khai phá được tiềm năng của công nghệ AI trong lĩnh vực điện ảnh. Anh cũng đã góp phần nâng cao tầm vóc của nền điện ảnh Việt Nam trên bản đồ thế giới.
Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương chia sẻ trên trang cá nhân: “Nhiều sự than thở, lắm làn sóng phản đối sự xuất hiện của AI. Tôi thấy chúng ta nên trải nghiệm khách quan thay vì than thở việc AI ra đời, khiến nhiều “nghệ sĩ nửa vời” phải mất việc. Theo tôi, kẻ mất việc là những kẻ kiến thức lưng chừng, thiếu tính thẩm mĩ và sáng tạo trong cách họ hình thành sản phẩm. Chả có gì là thừa thãi, mấy ông lớn họ đâu có thói quen “xả rác” bừa bãi? RÁC có khi là do chúng ta chưa biết cách khiến nó trở nên hữu dụng. Dù hiện tại hay tương lai, tận dụng AI được hay không, nhiều hay ít cũng tùy tư duy quan mỗi người.
Bây giờ nó chưa can thiệp sâu vào hiệu chỉnh chi tiết chuyên nghiệp được, về sau chắc chắn sẽ can thiệp được. Chúng ta chỉ ngồi “nhịp giò” chờ thời thì đòi hỏi gì ở nó sự chu toàn, tiểu tiết khi “trí tuệ nhân tạo” vẫn còn quá mới mẻ. Tôi cũng là người có thâm niên trong thiết kế, làm phim, nên tôi chẳng để mình phải lệ thuộc bất cứ công cụ nào. Với tôi, công cụ là phương tiện, cái gì cũng có thể kết hợp cách linh động, và công nghệ là dòng chảy không ngừng về phía trước chứ chẳng thể lùi về đằng sau. Ai phản đối, Ai không muốn dung nạp tiếp thu, là thiệt thòi của chính họ. Riêng tôi, tôi đã sớm kiếm hàng trăm triệu mỗi tháng chỉ từ việc gõ lệnh bằng AI, chẳng lý do gì lại bảo nó bất khả thi.
Đạo diễn Phạm Vĩnh Khương tiết lộ, anh đang làm tiếp một dự án lớn sẽ ra mắt vào ngày 30/4 tới đây với chủ đề “Tự hào dân tộc Việt” bằng 100% AI trên điện thoại.
V.N