Người Nổi Tiếng
Trang tin tức giải trí, tiểu sử người nổi tiếng

Tiểu sử Nhà báo Vương Xuân Nguyên – Người vinh dự giúp việc nhiều vị tiền bối cách mạng!

Hơn 20 năm qua, nhà báo Vương Xuân Nguyên (Quyết Tuấn) đã dành trọn nhiệt huyết với sự nghiệp báo chí và hoạt động phát triển  Sinh Vật Cảnh, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Anh là nhà báo trẻ có vinh dự được giúp việc cho nhiều vị tiền bối cách mạng!

Vương Xuân Nguyên là ai?

Nhà báo Vương Xuân Nguyên (bút danh Quyết Tuấn), sinh ngày 07/05/1980 tại xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội. Hiện là Tổng Thư ký Tòa soạn Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn, Trưởng Ban Chuyên đề Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đương đại. Từng là Thư ký của đồng chí Đỗ Phượng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Tổng Giám đốc TTXVN và có cơ hội gần gũi học tập với nhiều lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tiêu biểu như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Đồng chí Tráng A Pao, Giáo sư Vũ Khiêu, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Cụ Cù Văn Chước, Viện sĩ Nguyễn Duy Quý, Tiến sĩ Tạ Quang Ngọc, Giáo sư Trần Duy Quý, Viện sĩ Đào Thế Anh, Tiến sĩ Phạm Việt Long…Anh đã làm việc qua nhiều cơ quan báo chí: Tạp chí Việt Nam Hương Sắc, Báo Đời sống và Pháp luật, Báo điện tử Người Đưa tin, Tạp chí điện tử Văn hiến Việt Nam.

Gia đình và cuộc sống

Là con thứ 3 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Quốc Oai, ngoại thành Hà Nội, ngay từ nhỏ Vương Xuân Nguyên được biết đến là cậu bé chăm ngoan, học giỏi. Thương bố mẹ vất vả, ngoài giờ học cậu đi làm thêm đủ mọi việc để có thể kiếm tiền tự đóng học phí và phụ giúp gia đình. Những năm tháng học đại học tại Hà Nội, Vương Xuân Nguyên đi gia sư, làm bồi bàn để có tiền đóng học phí và trang trải cuộc sống xa nhà.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên

Con đường sự nghiệp

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp Học viện Ngân hàng, anh từ chối làm việc cho một tập đoàn du lịch của nước ngoài với mức lương cao làm việc tại Lào Cai để ở Hà Nội làm việc và học tiếp lên cao. Anh đã về công tác tại Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát triển Sinh Vật Cảnh Việt Nam và làm báo cùng nhà báo Đỗ Phượng tại Tạp chí Việt Nam Hương Sắc đến năm 2016.

Chính trong giai đoạn này, anh có cơ hội được gần gũi nhiều vị lão thành cách mạng từng gần gũi và giúp việc Bác Hồ như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Giáo sư Vũ Khiêu, Nhà báo Đỗ Phượng, Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Đồng chí Nguyễn Văn Trân, Cụ Cù Văn Chước và nhiều nhân sĩ trí thức khác đang công tác tại CLB Thăng Long, MTTQ Việt Nam và Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam. Đây là cơ hội rất tốt giúp ngày càng trưởng thành trong nghề báo, một cây bút chính luận gắn với nhiều hoạt động cộng đồng thiết thực, hiệu quả sau này.

Khi đó, nhà báo Đỗ Phượng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng – Tổng Giám đốc TTXVN cùng đồng chí Nguyễn Văn Trân, Nguyên Bí thư Trung ương Đảng làm lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam rất tin tưởng giao cho lớp trí thức trẻ như nhà báo Vương Xuân Nguyên nhiệm vụ xây dựng đề án phát huy vai trò Tết Trồng cây do Bác Hồ khởi xướng từ những năm 60 của thế kỷ XX và thú chơi Sinh Vật Cảnh có truyền thống lâu đời của dân tộc để đưa Sinh Vật Cảnh trở thành một ngành kinh tế sinh thái, góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, phát triển du lịch, bảo vệ môi trường, tôn tạo cảnh quan di tích lịch sử.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên trong đoàn lãnh đạo Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam tiếp kiến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2012

Anh cũng được cử làm báo cáo viên của cơ quan tại Trung tâm Thông tin công tác Tuyên giáo – Ban Tuyên giáo Trung ương (2008 – 2015); Tham gia cùng cụ Cù Văn Chước, người giúp việc Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch sưu tầm nhiều tư liệu quý về Bác; Và anh là thành viên đoàn Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ dự Lễ kỷ niệm 60 năm chấp chính của nhà vua Thái Lan năm 2006.

Những thành tựu và hành trình phía trước

Bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tình yêu với nghề báo, cùng với những trăn trở với sự nghiệp phát triển nông thôn, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã có hàng trăm bài bài viết và trực tiếp gắn bó với nhiều hoạt động trong quá trình chuyển dịch của thú chơi văn hóa Sinh Vật Cảnh thành một ngành nghề chính trong phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta. Chính nhà báo Vương Xuân Nguyên là người tham gia dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển sinh tế Sinh Vật Cảnh năm 2004; Chỉ thị của Thường trực Ban Bí thư về Phát triển Sinh Vật Cảnh thành ngành kinh tế sinh thái giá trị cao năm 2009; Tổ chức Hội thảo khoa học Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh năm 2010.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên lưu niệm với lãnh đạo Ban Tuyên giáo TW, Bộ TTTT và Hội Nhà báo Việt Nam tại Hội báo toàn Quốc 2023

Đặc biệt, thông qua các tổ chức xã hội, anh đã trực tiếp phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức nhiều hội thảo ở các quy mô khác nhau về đề tài “Phát huy vai trò của Sinh Vật Cảnh trong xây dựng Nông thôn mới và Đô thị văn minh ở Việt Nam”. Nhờ những hoạt động thiết thực đó mà hoạt động Sinh Vật Cảnh đã dần dần được các cơ quan quản lý nhà nước và nhân dân thay đổi nhận thức về tầm quan trọng, nhiều địa phương đã lồng ghép hoạt động Sinh Vật Cảnh trong quá trình triển khai xây dựng Nông thôn mới, Đô thị văn minh.

Từ năm 2017, nhà báo Vương Xuân Nguyên chuyển công tác về Báo Đời sống và Pháp luật, Báo điện tử Người Đưa tin. Tại môi trường làm việc báo chí chuyên nghiệp ở đây, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã có nhiều cơ hội trưởng thành trong nghề báo và hoạt động truyền thông. Anh đã để lại nhiều dấu ấn trong cộng đồng những người làm báo thông qua hàng loạt phóng sự điều tra, làm rõ nhiều vụ việc tiêu cực, trả lại sự công bằng cho xã hội.

Nhà báo Vương Xuân Nguyên và NSƯT Hương Giang

Cũng trong giai đoạn này, anh đã có nhiều bài viết chuyên luận sâu sắc về đề tài học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Viết về tình cảm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp với các tầng lớp nhân dân, cũng như những bài viết xúc động về nhiều vị lão thành cách mạng, nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học tiêu biểu đã có nhiều cống hiến cho đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu như loạt bài viết: Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ mãi mãi soi đường chúng ta đi; Bác Hồ với Tết Trồng cây năm Kỷ Hợi 60 năm về trước; Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Người anh cả của quân đội sống mãi trong lòng dân và nhân loại yêu chuộng hòa bình; GS. Đào Duy Anh: Từ chí sĩ cách mạng yêu nước đến học giả lỗi lạc; GS Vũ Khiêu – một hiền tài sống động, tỏa sáng uyên bác và tâm hồn cao đẹp; Nữ sĩ Sầm Phố: Mẫu thân của hai nhà trí thức tiêu biểu Việt Nam…

Từ năm 2020, nhà báo Vương Xuân Nguyên chuyển công tác về Tạp chí Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam và cùng các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Văn hóa và Phát triển, Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam đã tham vấn đóng góp nhiều văn bản, chính sách phát triển nông thôn, phát huy yếu tố văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trước yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Cũng trong giai đoạn này, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã phát triển hệ sinh thái truyền thông Pháp luật và Thời đại để hỗ trợ cộng đồng nghệ nhân, doanh nhân, chủ nhà vườn khởi nghiệp, vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19.

Gần đây, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã đồng hành cùng vợ là NSƯT Hương Giang tập trung vào nhiều dự án phát triển âm nhạc chính ca, dân ca các vùng miền và khởi động nhiều dự án cộng đồng thông qua Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đương đại. Trong đó có nhiều MV nghệ thuật được công chúng yêu âm nhạc đánh giá cao như: Lời Bác dặn trước lúc đi xa; Gần lắm Trường Sa; Tâm sự Người làm báo; Hà Nội linh thiêng hào hoa…

Nhà báo Vương Xuân Nguyên được tặng Kỷ niệm Chương vì sự nghiệp báo chí năm 2022

Không chỉ được biết đến là một cây bút giàu nhiệt huyết, một nhà hoạt động cộng đồng không ngưng nghỉ, nhà báo Vương Xuân Nguyên còn được biết đến là một gương mặt chuyên gia có nhiều ý kiến tâm huyết về nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội trên nhiều chương trình truyền hình. Tiêu biểu như các bài trả lời phỏng, takshow về đề tài: Lan đột biến, Cây cảnh tiền tỷ; Chặt cây xanh tại Hà Nội; Chuyển đổi số…

Anh cũng tham gia viết sách và góp phần xuất bản nhiều tài liệu khoa học, sách báo. Tiêu biểu như cuốn: Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh (2010); Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lòng dân (2019); Những kỳ quan thiên nhiên và Di sản của nhân loại (2020); Một thoáng Nông thôn mới Hà Nội (2022); Phát triển Nông nghiệp Đô thị thông minh vùng Đông Nam Bộ (2022); Kể chuyện Bác Hồ (2023)…Trong đó, cuốn sách “Bác Hồ với thiên nhiên và Sinh Vật Cảnh” là tập hợp phần lớn tư liệu mà trước đó anh được gần gũi cụ Cù Văn Chước để kiểm chứng xác nhận.

Ngoài ra, còn được nhiều người biết đến khi theo học võ thuật của Tiana Alexandra, một môn đệ của huyền thoại Lý Tiểu Long. Anh cũng có cơ hội thao luyện Karatedo với nhiều võ sư tên tuổi trong và ngoài nước như: Võ sư hàng đầu Nhật Bản – Masao Kagawa; Võ sư Phạm Quốc Trọng, Nguyễn Hoàng Ngân, Dương Hoàng Long…

Với những đóng góp tích cực cho lĩnh vực báo chí, truyền thông, sinh vật cảnh và hoạt động phát triển nông thôn Việt Nam, nhà báo Vương Xuân Nguyên đã được: Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương tặng Bằng khen năm 2007; Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen năm 2016; Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tặng Bằng khen năm 2021; Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tặng Kỷ niệm Chương vì sự nghiệp Báo chí Việt Nam năm 2022, cùng nhiều phần thưởng của các Bộ, Ban ngành khác.

Tuổi thơ dữ dội, sự nỗ lực học tập không mệt mỏi, môi trường làm việc lý tưởng bên các cây đại thụ trên dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam và được trưởng thành từ thực tiễn của nhiều cơ quan báo chí… là những động lực tốt đẹp hứa hẹn nhiều thành công hơn nữa sẽ đến với Nhà báo Vương Xuân Nguyên trong hành trình phía trước.

Nhân Văn