Sau 1 tuần thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, giãn cách xã hội tại Q. Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Q. 12 theo Chỉ thị 16; số ca bệnh đã giảm dần, các chuỗi lây nhiễm đã từng bước được khống chế.
Đó là nhận định của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp giao ban về phòng, chống dịch COVID-19 với 22 quận, huyện và TP Thủ Đức, sáng 7/6.
Nhiều chuỗi nhánh từ ổ dịch điểm nhóm truyền giáo
Báo cáo tại cuộc họp, ông Nguyễn Tấn Bỉnh – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính đến nay, có 640 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại thành phố, được Bộ Y tế công bố; trong đó 433 trường hợp nhiễm trong cộng đồng (chiếm tỷ lệ 67,7%), 207 trường hợp nhập cảnh (chiếm tỷ lệ 32,3%).
Đã có 268 trường hợp điều trị khỏi, chiếm tỷ lệ 41,87%. Có 1 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,16% (BN5463). Hiện đang điều trị 371 bệnh nhân dương tính mới.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh báo cáo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM
Ngoài ra, BV Bệnh Nhiệt đới tiếp nhận 3 trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng (1 từ BV Đa khoa khu vực tỉnh An Giang và 2 người từ Bệnh viện Đa khoa Khu Vực Long An), các bệnh nhân đều trong tình trạng rất nặng.
Riêng ổ dịch điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng (phát hiện từ ngày 26/5), đến nay có 362 trường hợp dương tính, đã được công bố liên quan đến ổ dịch này. Kết quả giải trình tự gene SARS-CoV-2 của 7 người bệnh đầu tiên trong ổ dịch liên quan điểm nhóm đều thuộc biến chủng Ấn Độ, B.1.617.2.
Từ ổ dịch này, xuất hiện các chuỗi nhánh lớn, gồm: Khách sạn Sheraton Q.1 TP.HCM với 12 ca xác định mắc bệnh; chuỗi cửa hàng cà phê Trung Nguyên 104 Phổ Quang với 34 ca xác định mắc bệnh; Trường Mầm non song ngữ KID TOWN với 26 ca xác định mắc bệnh; Khu nhà trọ hẻm 80/59/80A Dương Quảng Hàm, phường 5, Q.Gò Vấp xác định 22 ca mắc bệnh.
Công ty TNHH đầu tư dịch vụ Thiên Tú FN (Văn phòng lâu 4 thuộc Toà nhà Phan Khang, Số 1 Hoàng Việt, Q.Tân Bình) ghi nhận 91 ca mắc bệnh. Gần nhất là 6/6 chuỗi nhánh Công ty TNHH phát triển giải pháp tầm nhìn IDS xác định 37 ca mắc. Từ chuỗi lây nhiễm này đã phát sinh ổ dịch ở toà nhà SAMCO (Q.1) với 5 ca bệnh. Đối với những chuỗi nhánh lớn này, ngành y tế đã kịp thời truy vết, khoanh vùng, cách ly.
Các ổ dịch từng bước được khống chế
Đánh giá về chùm ca bệnh điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng và các chuỗi nhánh liên quan, ông Bỉnh cho biết, tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh, lây lan nhanh trong thời gian qua do các yếu tố đặc thù, gồm: Sinh hoạt tôn giáo tổ chức trong môi trường chật hẹp, tập trung nhiều người và tiếp xúc gần, nhưng không có biện pháp phòng hộ cá nhân; dịch bệnh lây truyền âm thầm trong thời gian dài (kể từ ngày 16/5 khi thành viên đầu tiên có triệu chứng cho đến ngày 26/5 mới được phát hiện mắc bệnh).
Do đó đã có tới 40/55 thành viên của tổ chức bị lây nhiễm và dịch tiếp tục lây truyền qua nhiều chu kỳ (chuỗi quán cà phê Trung Nguyên đã lây qua 5 chu kỳ).
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân
Dịch bệnh tiếp tục lây lan nhanh trong cộng đồng do nhiều ca bệnh làm việc trong văn phòng, tòa nhà công ty, là môi trường kín, thông khí kém, mật độ tập trung cao. Chủng virus gây bệnh là chủng Ấn Độ có đặc tính lây lan mạnh. Công tác điều tra dịch tễ để khoanh vùng dập dịch gặp khó khăn, kéo dài do số lượng thành viên hội giao nhiều, khó tiếp xúc và khai báo chưa đầy đủ từ ban đầu. Số ca bệnh bị lây nhiễm nhiều và nhanh, trải rộng 21/22 địa phương.
Do các yếu tố thuận lợi, dịch đã bùng phát mạnh trong những ngày đầu, cao điểm ghi nhận 70 ca bệnh/ngày. Nhờ các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, kịp thời của thành phố, sau 6 ngày áp dụng giãn cách xã hội, số ca bệnh phát hiện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm dần, còn khoảng 20-25 ca trong cộng đồng, còn lại là các ca phát hiện trong khu cách ly hoặc khu phong tỏa.
Từ 31/5 bắt đầu ghi nhận ca bệnh đã được cách ly và đã có ít nhất 1 lần xét nghiệm âm tính trước đó. Tỷ lệ này đang tăng dần so với tỷ lệ ca bệnh phát hiện dương tính chưa bị cách ly. Điều này cho thấy, các chuỗi lây nhiễm đã biết tại thành phố đã từng bước được khống chế. Mặc dù có những ca bệnh chưa rõ nguồn gốc phát hiện trong cộng đồng nhưng trong giai đoạn giãn cách xã hội nên nguy cơ tiếp xúc thấp, không phát tán rộng, chỉ lây lan đến 1, 2 thành viên trong gia đình.
Nguồn gốc các ca bệnh này có thể do dịch bệnh đã âm thầm lây lan trong cộng đồng từ trước, do việc tiếp xúc, đi lại nhiều của người dân trong dịp nghỉ lễ. Bên cạnh đó, hiện nay dịch bệnh vẫn đang lây lan trong cộng đồng tại một số tỉnh thành, do đó còn nhiều người dân có thể có tiếp xúc với ca bệnh hoặc đi qua các địa điểm có ổ dịch trong cả nước.
15 ngày giãn cách xã hội dồn tổng lực, đẩy lùi dịch bệnh
Sau khi nghe báo cáo của các quận, huyện về tình hình sau 6 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 15, riêng Q.Gò Vấp và phường Thạnh Lộc, Q.12 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh việc quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn đã mang lại những hiệu quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh đang trong tầm kiểm soát, chững lại. Tuy nhiên, do xuất hiện đồng thời biến chủng Ấn Độ và biến chủng Anh và đã trải qua 4-5 chu kỳ lây nhiễm, nên các công tác truy vết phòng, chống dịch phải nhanh hơn nửa. Thành phố cần dồn tổng lực tận dụng 15 ngày giãn cách xã hội để đẩy lùi dịch bệnh.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện, sở ngành tiếp tục thực hiện nghiêm công điện 789 của Thủ tướng Chính phủ về biện pháp phòng, chống dịch và phát triển kinh tế. Trao đổi, thống nhất với các tỉnh về vận tải hành khách, hàng hóa, thực hiện giãn cách xã hội nhưng không ngăn sông cấm chợ, không ảnh hưởng đến kinh doanh, thực hiện cách ly y tế đúng đối tượng.
Tăng cường điều tra, truy vết là một trong những biện pháp TP.HCM đang dồn tổng lực để nhận diện sớm, khoanh vùng dịch bệnh và dập dịch
Chỉ đạo khai báo y tế với người vận tải hàng hóa, xử phạt nghiêm với trường hợp không khai báo hoặc khai báo không trung thực. Đề nghị thực hiện nghiêm về thay đổi phương thức làm việc. Cán bộ, viên chức, người lao động không tiếp khách tại công sở. Phải giãn cách triệt để tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối… Nhân rộng mô hình phòng, chống dịch hiệu quả tại các công sở.
Huy động tổng lực y tế bao gồm cả tư nhân nhằm thực hiện nhanh việc điều tra, truy vết, lấy mẫu. Đảm bảo thực hiện điều tra truy vết trong 8 giờ khi phát hiện có ca nhiễm, nghi nhiễm.
Chỉ đạo tại cuộc họp Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên đề nghị, các cấp, ban ngành, toàn dân không được lơ là, chủ quan, phải tính phương án dịch bệnh lây lan. Đặc biệt là dịch lây lan đến bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất. Đây là môi trường dễ lây lan nhanh. Vì vậy, phải nhanh chóng tìm các chuyên gia có giải pháp về lây lan trong các khu vực này.
Các công tác điều tra truy vết sàng lọc từng người phải hết sức chặt chẽ, chính xác. Người điều tra dịch tễ phải lưu ý để nhận định sát, phòng ngừa chặt chẽ.
Về cách ly y tế, các đối tượng là người nhập cảnh, người tiếp xúc, người đến từ vùng có dịch… cầc có kế hoạch riêng, cụ thể nhưng phải thận trọng. Hiện nay, một số tỉnh xung quanh ra những quyết định cũng không phải phù hợp, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân. Nhưng một số tỉnh đã chấn chỉnh kịp thời. Do đó việc ra những chỉ định cách ly phải hết sức lưu ý để tránh những ảnh hưởng không cần thiết.
Đối với tiêm vắc xin, từ kinh phí của thành phố và nguồn kinh phí huy động TP.HCM đang xúc tiến mua vắc xin nhanh nhất, số lượng cao nhất có thể. Hiện nay, vắc xin của Việt Nam cũng đang thử nghiệm bước 3, dự kiến trong quý 3 sẽ nguồn vắc xin trong nước, chất lượng không thua các nước lân cận.
Hoài Thương/Suckhoedoisong