Gặp ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình vào một ngày hè nắng đổ lửa trong con ngõ 31 Kim Mã - nơi trưng bày nhà mẫu dự án nhà ở xã hội. Mặc bộ đồ màu xanh người lính đã sờn màu, ông Đường nói bản thân xuất thân là một người lính nên dù đã trở thành một doanh nhân giàu có ông vẫn giữ lấy cho mình "chất lính".
Ông Đường luôn tâm niệm hạnh phúc của mọi người chính là hạnh phúc của mình. Cái gì có lợi cho đất nước, cho người Việt ông sẽ làm đến cùng. Ông có một niềm tin mãnh liệt: "Tôi làm gì cũng luôn được Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ phù hộ". Và câu chuyện làm nhà ở xã hội dát vàng của ông cũng được bắt nguồn từ đó.
Rất nhiều người biết đến Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình với biệt danh là "Đường bia". Từ khi nào mà biệt danh đó lại gắn với ông?
Tên cha mẹ đặt ra là Nguyễn Hữu Đường. Năm 1979, tôi bắt đầu rời khỏi bộ đội. Đến năm 1980 lấy vợ rồi năm 1981 có con. Trước khi đi bộ đội, tôi là cán bộ công chức thuộc Công ty xuất nhập khẩu bao bì 2 của Hà Nội. Nhưng sau khi xuất ngũ, tôi không quay về đó làm nữa bởi đồng lương công chức ít ỏi không bảo đảm cuộc sống.
Tôi xin vào làm vận chuyển bia, tức là xích lô chở bia. Mỗi ngày đi làm tiền công bằng một thùng bia, bán ra ngoài kiếm được 60 đồng, bằng với lương 1 tháng của kỹ sư thời bấy giờ. Sau này, khi xây dựng nhà máy bia, tiền lãi từ bán bia cứ 2-3 ngày mua được căn nhà. Tiền tôi kiếm được thời điểm ấy nhiều vô kể.
Những năm 1982, tôi phân phối nhiều bia đến nỗi người ta quen miệng gọi là tôi "Đường bia" rồi "Vua bia".
Ông có thích biệt danh đó không?
Nói chung không thích thì cũng không được, đó là biệt danh gắn liền với mình.
Ông nói làm bia siêu lợi nhuận, nhưng tại sao sau đó, ông lại chuyển sang làm bất động sản?
Bia chỉ có thời, khi các hãng bia nước ngoài vào thì bia của mình không thể nào có lợi nhuận như thế.
Còn chuyển sang làm bất động sản là vì tôi có mấy khu đất trong thành phố, trước đây làm nhà máy, giờ tôi làm nhà. Nhà tất nhiên là lãi nhanh, nhanh hơn các ngành nghề sản xuất.
Thực tế, khi mình làm nhà ở cũng phải suy nghĩ xem người ta muốn gì, làm thế nào để dân cũng xếp hàng đăng ký mua như xếp hàng mua bia ngày xưa.
Làm bất động sản, tôi thấy ông làm theo cách khác người: Công trình nào cũng phải dát vàng ông mới chịu. Phải chăng là vì ông rất thích vàng?
Phải nói là tôi không thích vàng vì không đeo được trang sức. Trong nhà cũng không sử dụng đồ dát vàng, dát bạc vì bị chói mắt. Đồ nhà tôi rất bình thường. Trong nhà không có bàn ghế gỗ vì tôi không thích đồ gỗ, đồ cổ mà chỉ thích ngồi sofa, ngủ giường đệm.
Thực ra, các công trình của mình thì cũng không ai bắt buộc mình phải dát vàng cả. Nhưng mà cả thế giới này thì đến 90% người ta thích vàng. Đặc biệt, những người bình thường, người ta không có vàng nên người đến các công trình, khách sạn có vàng họ rất thích.
Làm dịch vụ phải đáp ứng được tất cả những sở thích lớn, thực hiện được mong muốn của mọi người thì mình sẽ thành công. Do đó, các công trình của tôi đều có dát vàng, phủ vàng là để phục vụ sở thích của mọi người.
Và đến bây giờ làm nhà ở xã hội, ông cũng muốn dát vàng hết?
Nhà ở xã hội của Hòa Bình có thang máy Mitsubishi, thiết bị vệ sinh Toto. Đó là hai tiêu chuẩn cao cấp nhất của nhà ở thương mại. Tôi mạ vàng vòi chậu rửa là tôi tặng cho mọi người, không tính vào chi phí.
Tôi có một xưởng mạ vàng nên giá thành sẽ rẻ hơn so với các doanh nghiệp khác nếu cũng làm mạ vàng.
Phương châm của Hòa Bình là "Hãy làm những điều mọi người ước muốn". Người lao động, người thu nhập thấp có lẽ rất ít khi được sở hữu vàng. Họ rất mong có được vàng.
Tôi làm vòi tắm dát vàng là để ngày nào người dân cũng được sờ vào vàng. Sáng khi mở vòi nước để đánh răng rửa mặt là được sờ vào vàng, tối trước khi đi ngủ cũng được sờ vào vàng. Đó là hạnh phúc! Và hạnh phúc của người dân chính là hạnh phúc của mình.
Việt Nam chỉ có 1 ngày Thần tài nhưng người lao động ở nhà xã hội của Hòa Bình ngày nào cũng sẽ là ngày Thần tài. Tôi hy vọng khi ở căn nhà của Hòa Bình, người lao động sẽ có sức khỏe, niềm vui, lao động được cải thiện, thu nhập ngày càng cao lên và về sau người ta tích lũy và có vàng thật.
Mới nghe qua ông "Đường bia" làm nhà ở xã hội dát vàng, người ta không ngần ngại bảo ông chơi "ngông". Ông nghĩ sao?
Tôi không để ý dư luận. Người ta bảo mình chơi ngông hay không chơi ngông, đó là suy nghĩ của mỗi người. Điều quan trọng là người lao động ở trong tòa nhà tôi làm sẽ cảm ơn tôi. Bởi, tôi sẽ bán nhà theo giá Nhà nước duyệt. Chứ không phải tôi làm nhà xã hội dát vàng thì tôi sẽ bán được giá cao.
Hiện, khung giá nhà ở xã hội tại Hà Nội khoảng 20 triệu/m2 còn TP.HCM 25 triệu/m2. Còn tôi chỉ bán 18 triệu/m2 vì tôi đã cam kết với TP. Hà Nội. Giá đó còn thấp hơn cả giá của Hà Nội đang duyệt tiêu chuẩn nhà ở xã hội.
Lý do gì khiến ông đang làm phân khúc nhà ở cao cấp, lại đột ngột thay đổi chiến lược làm nhà ở xã hội?
Hòa Bình là công ty của những người cựu chiến binh. Đó là những người không tiếc cả tuổi thanh xuân, không tiếc cả máu xương của mình để bảo vệ độc lập của đất nước. Và chúng tôi cũng mong muốn để con em mình, con em của các chiến sĩ sẽ được sống trong một ngôi nhà hạnh phúc.
Trước đây, làm nhà ở thương mại, một năm Hòa Bình có thể làm được vài ba tòa nhưng bây giờ làm nhà ở xã hội, một năm có thể làm đến hàng chục toà. Nhưng chỉ có thể chọn một nên chúng tôi đã chọn hướng làm nhà xã hội phục vụ cho người lao động.
Hòa Bình quyết định từ nay trở đi chỉ làm nhà ở xã hội. Hòa Bình muốn mình sẽ trở thành một doanh nghiệp đầu tiên xung phong làm nhà xã hội với chất lượng cao, tường vách bằng bê tông với các cái thiết bị cao cấp, nhưng giá bán sẽ theo giá phê duyệt của từng tỉnh, thành phố.
Liệu có phải quá lãng phí khi ông lấy "đất vàng" để xây nhà xã hội ngay giữa Thủ đô?
Thú thật, với hai khu đất này không một doanh nghiệp nào làm nhà ở xã hội cả. Vì bản thân giá trị hai khu đất đã lớn hơn nhiều lợi nhuận thu được từ nhà ở xã hội Hòa Bình làm được. Nhưng Hòa Bình hy sinh, làm mẫu và mong muốn tiêu chuẩn chất lượng nhà ở xã hội sau này được áp dụng trên cả nước.
Nhưng, chắc chắn chỉ có Hòa Bình vừa hiến đất, vừa xây nhà chất lượng cao như vậy thôi. Còn sau này Nhà nước phải quy hoạch trong nội thành, đưa ra đấu thầu chủ đầu tư. Nhiều chủ đầu tư khác họ không bỏ đất ra làm nhưng người ta thấy có lợi nhuận 10-15% thì người ta vẫn làm. Tôi muốn chứng minh rằng làm nhà ở xã hội vẫn có lãi, nhưng tất nhiên lợi nhuận sẽ không cao như nhà thương mại.
Ông có sợ khi mình làm nhà ở xã hội, biên lợi nhuận sẽ thấp hơn so với các doanh nghiệp và sẽ bị bỏ lại phía sau?
Tôi không sợ điều đó bởi Hòa Bình luôn tự hào là doanh nghiệp có bộ óc thông minh.
Cách đây 40 năm, khi kinh doanh bia, mỗi ngày tôi kiếm được 1 tháng lương, về sau đi làm 2-3 ngày mua được cái nhà. Lúc ý, tôi phát hiện ra làm bia là siêu lợi nhuận.
Sau này, tôi làm văn phòng, căn hộ cho thuê ở Hoàng Quốc Việt. Nếu làm nhà ở, tôi bán 1.000 USD/m2 thì tôi đã lãi 500 USD/m2 nhưng tôi làm văn phòng cho thuê 1 năm cũng kiếm được 500 USD/m2. Nếu bán nhà tôi chỉ thu được tiền 1 lần nhưng làm văn phòng cho thuê lợi nhuận thu trong nhiều năm.
Chúng tôi làm những khách sạn 8 sao dát vàng hiện nay cả thế giới chưa ai làm được.
Kể hai câu chuyện trên để cho thấy dù làm trong bất kỳ việc gì quan trọng là cái đầu. Cái mình đi trước người ta, làm được những điều người ta không làm được, mình mãi mãi là người đứng đầu.
Sở thích của ông dường như làm những việc không giống ai. Trước nhà ở xã hội, ông đã từng xây trung tâm thương mại miễn phí?
Trung tâm thương mại cho thuê miễn phí thì đúng là chả ai làm. Nhưng nếu không miễn phí thì thử hỏi được mấy mặt hàng Việt Nam có thể thâm nhập được vào hệ thống thương mại.
Nhiều người sẽ hỏi tại sao tôi lại làm hệ thống trung tâm thương mại miễn phí? Không phải tôi muốn làm, tôi và mọi người trong công ty hầu như là thương binh, bệnh binh cả. Chúng tôi đều muốn đi chơi, hưởng thụ, nhưng đất nước mình vẫn còn nhiều người nghèo.
Mình là doanh nghiệp, làm việc với các nước khác, có quan sát lý do làm sao các nước phát triển. Nhờ đó mà mình có kiến thức, kinh nghiệm thì mình phải đưa vào để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân. Cái quan trọng đã là con người Việt Nam phải có ý thức làm sao cho dân tộc phát triển và làm những thứ để cho thế giới công nhận.
Người ta đồn ông Đường bia giàu lắm. Tôi rất tò mò cuộc sống hiện tại của một người giàu có như ông diễn ra thế nào?
Các đây gần 40 năm tôi đã rất giàu. Càng ngày tôi càng giàu. Bây giờ tôi rất thích đi chơi. Tôi có khách sạn dát vàng 8 sao, "của ngon vật lạ" nhất của đất nước này đều có ở đó. Nhiều người hỏi tôi tại sao ông cứ phải làm nhiều thế? Tôi cười, đấy là tính cách con người. Đằng sau tôi là hàng nghìn, hàng vạn những đồng đội cũ đã ngã xuống, tôi muốn làm thay họ.
Cuộc sống hiện tại của tôi cũng rất bình thường thôi. Nếu gặp nhau tại phòng làm việc của tôi sẽ thấy như một "cửa hàng tạp hóa", đồ đạc, bàn ghế mấy chục năm vẫn thế. Căn phòng 30m2 ấy không sang bằng khu làm việc ở nhà mẫu này đâu. (Cười).
Ở độ tuổi này, tôi thấy ông vẫn "lăn xả", trăn trở với các ý tưởng của mình. Vậy, đã có lúc nào ông nghĩ tới việc nghỉ hưu?
Từ khi nhỏ tôi luôn tâm niệm lớn lên tôi phải làm gì đó để lại cho đời.
Tôi có tính thương người. Từ ngày trước, những người nghèo ăn xin ăn mày bao giờ tôi cũng cho người ta tiền. Những người bán hàng rong, tôi mua đồ không bao giờ mặc cả mà luôn đưa thừa tiền. Con tôi mỗi lần thấy tôi đi xe ôm lại cười bảo: "Hôm nay ông xe ôm lại được tiền rồi".
Bây giờ, cuộc sống sung túc hơn, nhưng tôi vẫn thế thôi. Tôi đi cắt tóc ở cửa hàng cắt tóc "mậu dịch" trên phố Tràng Thi. Ở ngay cửa hàng cắt tóc, có một bà cụ ngồi bán hàng rong ngoài 80 tuổi, trước đây mình không để ý, hỏi ra mới biết cụ không có ai nuôi dưỡng, phải đi bán hàng rong để mưu sinh. Sau đó mỗi lần đi cắt tóc lần nào tôi cũng biếu bà cụ 200 nghìn. Ngày Tết ngày lễ tôi biếu riêng 500 nghìn.
Khi làm Tổ hợp Hòa Bình, tôi tập hợp anh em thương binh đến làm. Đến Tổ hợp, họ có thu nhập, có chỗ để thương yêu nhau.
Cuộc đời tôi, nếu không vì đồng đội thì sẽ vì người nghèo. Tôi có ý định nghỉ hưu từ năm 2017 nhưng vì Hệ thống trung tâm thương mại ở Đông Anh chưa được triển khai thì chưa nghỉ được.
Đến hiện tại, điều gì khiến ông tiếc nuối nhất mà chưa làm được?
May mắn có thể trở về từ chiến trường, công việc có nhiều thành quả, có tài sản hàng chục nghìn tỷ nên tôi luôn muốn làm những điều tri ân cho những người đã hy sinh cho đất nước này.
Năm 2007, Tập đoàn Hòa Bình đúc tượng Bác Hồ cung tiến vào đền thờ Bác Hồ và các anh hùng liệt sĩ toàn quốc tại Đại Từ, Thái Nguyên, nơi Bác Hồ ký sắc lệnh lấy ngày 27/7 hàng năm làm ngày tưởng nhớ các anh hùng Liệt sĩ; đúc chuông và xây dựng tháp chuông tại Đền thờ Bác Hồ ở Đèo De, Định Hóa, Thái Nguyên; đúc chuông và xây dựng tháp chuông tại nghĩa trang quốc gia: Trường Sơn, Đường 9 và Quảng Ngãi.
Cũng năm 2007, Hòa Bình xây dựng nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ tại thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Năm 2014, chúng tôi xây dựng nhà tiếp đón thân nhân liệt sĩ tại thành cổ Quảng Trị.
Tôi không đi xây trại trẻ mồ hôi, làm nhà dưỡng lão… bởi vì tôi làm những cái đó chỉ phục vụ được 500 - 1.000 người. Tôi muốn làm trung tâm thương mại miễn phí hàng Việt Nam là để cho tất cả người Việt không còn nghèo, những người lao động yên tâm có chỗ tiêu thụ sản phẩm.
Tôi vẫn đau đáu với đề án xây dựng Hệ thống trung tâm thương mại ở Đông Anh với diện tích 620.000 m2, lớn nhất Đông Nam Á.
Hiện nay, hệ thống thương mại nước ta nằm trong tay người châu Âu, Nhật, Hàn, Thái… Chỉ khi nào xây dựng và làm chủ được hệ thống thương mại thì chúng ta mới điều tiết được sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân có mặt bằng tiêu thụ sản phẩm, chỉ khi tiêu thụ được sản phẩm thì doanh nghiệp Việt mới phát triển bền vững, người dân mới có công việc và thu nhập ổn định.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị!
Theo CafeF