Như chúng ta đã biết, năm 1989, nhạc sỹ Trần Hoàn đã viết xong ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”. Ca khúc là một câu chuyện rất “đời”, bình dị và ý nghĩa, như lời dặn tâm tình của một người cha già trước lúc đi xa, rằng luôn mong con cháu giữ được “phần hồn” của văn hóa dân tộc, bản sắc quê hương. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp của đất nước, vì tự do và hạnh phúc của đồng bào và nhân loại, trong khoảnh khắc cuối cùng của đời người, Bác chỉ có một ước nguyện rằng Bác muốn mang theo âm hưởng làn điệu dân ca của quê hương ngọt ngào, thắm đượm về với cõi vĩnh hằng. Ước nguyện bình dị của Người ẩn chứa cả một tinh thần nhân văn cao đẹp, trong tinh thần ấy là quê hương, nguồn cội, những nỗi nhớ thương chất chứa là ao ước và khát vọng kìm nén trong trái tim. Đây có lẽ là một trong những câu chuyện xúc động cuối cùng về Bác Hồ kính yêu.
Từ khi ra đời cho đến nay, đã có rất nhiều ca sĩ thể hiện thành công ca khúc này, mỗi ca sĩ đã thành công với một phong cách riêng mang đến nhiều xúc cho người nghe. Những nghệ sĩ gạo cội thành công với ca khúc “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” phải kể đến như NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSND Thái Bảo...Riêng với giọng ca vàng xứ Nghệ - NSƯT Hương Giang lại là người hát thành công ca khúc này khi còn rất trẻ. Chỉ vài năm sau ca khúc được ra đời, khi mới 21 tuổi, trong vai trò là ca sĩ quân nhân của đoàn nghệ thuật Quân khu 9, Hương Giang đã gây xúc động đặc biệt cho quân và dân đồng bằng sông nước Cửu Long mỗi khi trình bày ca khúc “Lời Bác gọi trước lúc đi xa”. Chị đã xuất sắc đạt giải nhì trong cuộc thi đơn ca “Mùa Xuân và người Chiến sĩ” năm 1998 do Tổng Cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tổ chức. Là một người con xứ Nghệ, tuổi thơ thấm đẫm trong những điệu hò ví giặm của quê hương, giọng nữ cao trữ tình (Soprano), cùng với cách hát tinh tế, xử lý linh hoạt từng khúc thước của tác phẩm, NSƯT Hương Giang đã để lại những ấn tượng đặc biệt cho người nghe mỗi khi trình bày ca khúc “Lời Bác trước lúc đi xa”.
Với giọng ca trong sáng, giàu tình cảm, Thượng tá, NSƯT Hương Giang chạm tới trái tim người nghe khi kết hợp nhuần nhuyễn giữa kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện với cách hát tinh tế, mềm mại, linh hoạt khi thể hiện ca khúc "Lời Bác Dặn Trước Lúc Đi Xa", một ca khúc mang âm hưởng dân ca xứ Nghệ. Đồng điệu với nhạc sĩ Trần Hoàn, với cách xử lý tác phẩm “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” một cách độc đáo, mang những sắc thái riêng, Thượng tá, NSƯT Hương Giang đã thủ thỉ tâm tình, kể lại một cách xúc động câu chuyện có thật về vị Cha già kính yêu của dân tộc - rất vĩ đại nhưng rất đỗi bình dị, thân thương bằng chính cảm xúc sâu lắng nhất của mình, góp phần đưa tác phẩm đến gần hơn với triệu triệu trái tim của người dân Việt Nam.
Vào thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, chúng ta được nghe giọng ca vàng xứ Nghệ - NSƯT Hương Giang thể hiện xúc động ca khúc này và càng xúc động hơn khi được nghe những giây phút cuối đời của vị cha già kính yêu, cùng hoàn cảnh ra đời ca khúc "Lời Bác Dặn Trước Lúc Đi Xa" từ các thuyết minh viên tại đây.
Các tư liệu cho thấy, ngày 17/8/1969, khi kiểm tra sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, các bác sĩ phát hiện tim của Người có triệu chứng không bình thường và đề nghị Người không ở và làm việc tại Nhà sàn để tránh phải lên xuống cầu thang hàng ngày. Bác đã đồng ý và chuyển xuống ở hẳn ngôi nhà Z67 - Ngôi nhà Bộ Chính trị làm giấu Bác (trong thời gian Người đi công tác xa) để bảo đảm an toàn cho Người khi đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc.
Tại đây, chiều ngày 24/8/1967, Bác trải qua một cơn đau tim đột ngột. Tuy yếu mệt, Bác vẫn gắng làm việc, ngày 25/8/1969, Bác gửi thư trả lời Tổng thống Mỹ R.Nixơn. Trong thư Người đã vạch trần tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam là “quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”. Sau khi chỉ rõ giải pháp để giải quyết vấn đề Việt Nam, Người viết: “Trong thư, Ngài bày tỏ lòng mong muốn hành động cho một nền hòa bình công bằng. Muốn vậy, Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam và dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài. Đó là cách đúng đắn để giải quyết vấn đề Việt Nam phù hợp với quyền dân tộc của nhân dân, với lợi ích của nước Mỹ và nguyện vọng hòa bình của nhân dân thế giới… Với thiện chí của phía ngoài và phía chúng tôi, chúng ta có thể đi tới những cố gắng chung để tìm một giải pháp đúng đắn cho vấn đề Việt Nam”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội 2011, tr15, tr.603).
Những ngày nằm trên giường bệnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn không nguôi những trăn trở lo lắng trước tình hình chiến sự của đất nước. Miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất luôn là nỗi canh cánh trong lòng Bác. Bác đã từng nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”(Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội2011, tr.4, tr.470).
Các bác sĩ và y tá của Viện Quân y 108 được cử đến để chăm sóc sức khỏe của Người. Đồng chí y tá Ngô Thị Oanh kể lại: “Bác chỉ nằm, không đòi hỏi một thứ gì, không kêu ca đau đớn. Bác chỉ muốn nghe tin thời sự, nhất là tình hình chiến sự miền Nam. Và khi nghe quân ta bắn rơi nhiều máy bay Mỹ thì Bác rất phấn khởi”(Hồ Chí Minh cứu tinh dân tộc. Nxb Thanh niên, Hà Nội.2008). Buổi sáng 02/9/1969, tình trạng sức khỏe của Bác Hồ có những diễn biến xấu đi. Sau mỗi cơn đau tỉnh dậy Bác hỏi: “Hôm nay, miền Nam đánh thắng ở đâu?”. Sắp đến ngày kỷ niệm Tết độc lập của dân tộc, thấy Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm, Bác hỏi: “Các chú chuẩn bị lễ kỷ niệm Quốc khánh đến đâu rồi, các chú nhớ bắn pháo hoa để động viên tinh thần chiến đấu của nhân dân, đến ngày đó Bác sẽ cố gắng ra gặp đồng bào mươi lăm phút”. Nhưng Lễ kỷ niệm Quốc khánh năm đó thiếu vắng Bác vì bệnh tình của Người đã có phần giảm sút trầm trọng.
Vào một buổi sáng, Y tá Ngô Thị Oanh (người được giao nhiệm vụ túc trực chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh) vào mời Bác uống thuốc, cắt móng tay cho Người, cắt xong cô được Bác Hồ hỏi thăm tên, quê quán, rồi Bác hỏi cô có biết hát không. Bất ngờ và hồi hộp, Y tá Ngô Thị Oanh trả lời Bác rằng có biết hát. Cô trấn tĩnh và hát bài: “Chiến sĩ quân y làm theo lời Bác” và bài dân ca quan họ Bắc Ninh “Người ở đừng về” trong niềm xúc động nghẹn ngào”(Những hồi ức cảm động với Bác Hồ. Nxb Văn hóa, Thông tin, Hà Nội 2009, tr208-209). Nghe xong bài hát, Bác gật đầu mỉm cười rồi cố với lấy một bông hoa hồng trong lọ hoa ở đầu giường nơi Người nằm tặng cho cô y tá. Không một ai trong căn phòng khỏi nghẹn ngào trước tình cảm của Bác và những giọt nước mắt lăn dài trên má đã không ngưng được khi trong cơn đau, Người vẫn ân cần, quan tâm, động viên những người xung quanh không phải lo lắng cho mình. Và cũng không một ai ngờ rằng bài hát dân ca quan họ Kinh Bắc là bài hát cuối cùng Bác nghe trước lúc đi xa.
Không được chứng kiến câu chuyện xúc động của Bác Hồ lúc cuối đời, nhưng hình ảnh của Bác vẫn luôn in đậm trong trái tim của nhạc sĩ Trần Hoàn. Năm 1989, khi nằm điều trị bệnh tại Bệnh viện Việt - Xô cùng với đồng chí Vũ Kỳ - thư ký riêng của Bác, nhạc sĩ Trần Hoàn được đồng chí Vũ Kỳ kể lại cho nghe một câu chuyện xúc động ấy. Theo dòng cảm xúc đối với Người cha kính yêu của dân tộc, nhạc sĩ Trần Hoàn đã sáng tác nên ca khúc “Lời Bác dặn Trước Lúc Đi Xa” đúng dịp kỷ niệm 20 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ca khúc đã làm rung động triệu triệu trái tim người con nước Việt hôm nay và mãi mãi mai sau.
H.Q