Tập đoàn T&T trên 200 đơn vị thành viên với 80.000 nhân viên
Công ty CP Tập đoàn T&T (Tập đoàn T&T Group) tiền thân là Công ty TNHH T&T, được doanh nhân Đỗ Quang Hiển (còn được biết đến với tên gọi là bầu Hiển) thành lập vào năm 1993. Cuối tháng 4/2022, nhằm thực hiện quy định của Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, ông Đỗ Quang Hiển đã từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group để tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại Ngân hàng SHB. Sau khi ông Đỗ Quang Hiển từ nhiệm, dàn lãnh đạo cấp cao mới của T&T Group được bầu và bổ nhiệm như sau: Chủ tịch HĐQT T&T Group là ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng Giám đốc là ông Mai Xuân Sơn; và con trai thứ hai của ông Đỗ Quang Hiển là doanh nhân trẻ Đỗ Vinh Quang được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn này.
Theo hồ sơ doanh nghiệp, sau 29 năm phát triển, hiện vốn điều lệ của Tập đoàn của chồng sắp cưới hoa hậu Đỗ Mỹ Linh đã lên tới 22.000 tỷ đồng, tổng tài sản đạt 45.000 tỷ đồng, 80.000 cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống, hoạt động kinh doanh tại thị trường trong nước và quốc tế. T&T Group đã mở chi nhánh, văn phòng đại diện tại Mỹ, Nga, Đức và Australia (Úc).
Đáng chú ý, góp phần tạo nên sự vững mạnh cho hệ sinh thái đa ngành T&T Group không thể không nhắc đến việc tập đoàn này hiện đang sở hữu khoảng 200 công ty thành viên, trực thuộc và liên doanh liên kết, hoạt động trong 7 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi mà T&T Group đang theo đuổi. Trong đó có nhiều doanh nghiệp nổi bật như Ngân hàng SHB, Chứng khoán SHS, Bảo hiểm BSH, Cảng Quảng Ninh, Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam Vinafor, Tổng Công ty Lương thực miền Nam Vinafood 2, Tổng Công ty Rau quả nông sản Vegetexco, Công ty Điện cơ Thống nhất, Công ty thể thao Hà Nội T&T, Bất động sản T&T Homes, Siêu cảng Logitics ICD Vĩnh Phúc, …
Tập đoàn T&T với Loạt dự án “khủng” trên khắp cả nước
T&T Group nơi doanh nhân trẻ Đỗ Vinh Quang đang làm việc kinh doanh nhiều lĩnh vực. Tập đoàn này được xem như một trong những “sếu đầu đàn” của Việt Nam bởi hầu hết các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế đều thấy bóng dáng của T&T Group.
Cụ thể trong ngành năng lượng, ít ai qua mặt được T&T Group. Ngoài 5 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 345 MWp đã được đưa vào vận hành từ năm 2020 – năm mà các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới “điêu đứng” vì đại dịch Covid-19, thì hiện nay, T&T Group đang phát triển 5 dự án điện gió trên bờ tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Sóc Trăng và Gia Lai với tổng công suất gần 550 MWp.
Đặc biệt, T&T Group đã bắt tay với Ørsted - tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới để triển khai loạt dự án điện gió ngoài khơi trên khắp cả nước. Theo tìm hiểu, tổng công suất điện gió ngoài khơi mà 2 “ông lớn” này dự kiến phát triển sẽ vào khoảng hơn 20 GW. Các dự án đều đang được UBND các địa phương trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương xem xét cho nghiên cứu, khảo sát và đưa dự án vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 (Quy hoạch điện VIII).
Ngoài Ørsted, T&T Group cũng bắt tay hợp tác với 1 loạt các “ông lớn” ngành năng lượng như Total (Pháp), Hanwah Hàn Quốc), EREX (Nhật Bản), Marubeni (Nhật Bản), … nhằm hiện thực hóa mục tiêu trong vòng 10 năm tới, tổng công suất các nguồn năng lượng xanh, sạch đạt từ 12.000 - 15.000 MW, chiếm khoảng 10% tổng công suất nguồn điện lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam.
Được biết, ngoài 10 dự án nguồn điện xanh với tổng công suất gần 1.000 MWp kể trên, T&T Group còn đầu tư phát triển Trung tâm điện khí LNG tại Quảng Trị. Đầu năm 2022, giai đoạn 1 của dự án với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2,32 tỷ USD đã được khởi công. Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, dự án sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa tỉnh Quảng Trị trở thành trung tâm năng lượng khu vực miền Trung vào năm 2030.
Tháng 11/2021, Standard Chartered - định chế tài chính quốc tế hàng đầu có trụ sở chính tại Vương quốc Anh tuyên bố sẽ tài trợ 8 tỷ USD nhằm hỗ trợ các dự án phát triển bền vững của Việt Nam. Trong đó, Standard Chartered cam kết sẽ dành tới 6 tỷ USD (tương đương 75%) để tài trợ cho các dự án xanh của T&T Group.
Trong lĩnh vực logistics, T&T Group hiện đang sở hữu “siêu cảng” có tổng vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD – Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Đây là dự án đầu tiên của mạng lưới logistics thông minh ASEAN, có chức năng tích hợp của Trung tâm phân phối (Distribution Center - DC) và Cảng cạn (Inland Container Depot - ICD).
Để hiện thực hóa mục tiêu đưa “siêu cảng” ICD Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất miền Bắc Việt Nam, kết nối các khu công nghiệp bằng đường bộ, đường sắt, cũng như kết nối với Hà Nội, sân bay quốc tế Hải Phòng và tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, mới đây, vào tháng 8/2022, T&T Group, T&Y (liên danh giữa T&T và YCH - Singapore) đã “bắt tay” với 2 doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực vận tải là Vietnam Airlines và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Dự kiến, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành cuối năm nay.
Một lĩnh vực mà T&T Group đã gây dựng tên tuổi là bất động sản. Hiện tập đoàn này đang phát triển hàng trăm dự án ở hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước. Các dự án BĐS của T&T đa dạng về loại hình, từ căn hộ, nhà ở thương mại, khu đô thị, khách sạn, … cho đến các dự án bất động sản công nghiệp hay nông nghiệp. Trong đó, có thể kể đến một số dự án lớn như T&T Millennia City quy mô 267 ha tại Long An, dự án Khu công nghiệp Vàm Cống 193 ha tại An Giang, dự án Khu du lịch dịch vụ Gio Hải tại Quảng Trị, dự án đô thị sân golf Văn Lang Empire 168 ha tại Tam Nông, Phú Thọ…
Ngoài các dự án “khủng” trên, Tập đoàn T&T Group còn từng tạo tiếng vang tại thị trường quốc tế khi thực hiện thành công hợp đồng thu mua 176.000 tấn điều thô vụ mùa 2018 của Tanzania. Với sản lượng khổng lồ này, đây được xem là thương vụ thu mua điều thô lớn nhất lịch sử ngành điều thế giới. Vào năm 2020, T&T Group một lần nữa gây chấn động ngành điều khi tiếp tục tái lập kỷ lục bằng hợp đồng thu mua 150.000 tấn điều thô từ Cote d'Ivoire – đây là toàn bộ lượng hàng mà Chính phủ Cote d'Ivoire đang nắm giữ tại thời điểm đó. Mới đây nhất, T&T Group cũng đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Bahag (Đức) nhằm xuất khẩu viên nén gỗ - sản phẩm đang là thế mạnh của Việt Nam, sang thị trường EU. Dự kiến, đến hết quý I/2024, T&T Group có thể cung cấp cho Bahag tới 400.000 tấn/năm.
Báo Công Lý