Thi hành án vụ ly hôn ngàn tỉ Trung Nguyên như thế nào?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải thanh toán cho người vợ ly hôn là bà Lê Hoàng Diệp Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là hơn 1.318 tỉ đồng.

Kết quả giám đốc thẩm này xem như khép lại một cuộc chiến pháp lý đình đám liên quan đến hôn nhân và chia tài sản chung thời kỳ hôn nhân của ông Vũ, bà Thảo.
Trước đó, sau khi TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, VKSND Tối cao có quyết định yêu cầu hoãn thi hành án về phần tài sản vụ án để có thời gian giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của bà Thảo.
Trong khi phía ông Vũ đã chủ động nộp hơn 1.220 tỉ đồng cho cơ quan thi hành án trước một ngày nhận quyết định hoãn thi hành án…
Phiên giám đốc thẩm vụ ly hôn "ngàn tỉ" được mở do có kháng nghị của Viện trưởng VKSND Tối cao.

Thi hành án vụ ly hôn ngàn tỉ Trung Nguyên như thế nào? - ảnh 1
Bà Thảo và ông Vũ. Ảnh: PLO

Theo quyết định giám đốc thẩm, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao sửa bản án phúc thẩm phần hôn nhân theo hướng cho bà Thảo và ông Vũ ly hôn. Giấy chứng nhận kết hôn số 59 tại UBND Phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuật, tỉnh Đắk Lắk không còn giá trị.

Về phân chia tài sản được tính lại do trước phiên giám đốc thẩm, ông Vũ rút yêu cầu chia 1,4 triệu GBP (bảng Anh) và 7,3 triệu USD (tương đương 213 tỷ đồng) trong 6 tài khoản đứng tên ông Lê Hoàng Văn (anh trai bà Thảo) tại ngân hàng Eximbank.
Tức tổng số tài sản gồm tiền, vàng, ngoại tệ của hai vợ chồng do bà Thảo đứng tên tại các ngân hàng mà ông Vũ yêu cầu chia còn 1.551 tỉ đồng thay vì 1.764 tỉ như trước.
Các quyết định khác của án phúc thẩm giữ nguyên, không huỷ án để xét xử lại từ đầu như đề nghị của VKS.
Theo phán quyết có hiệu lực ngay trên, tổng tài sản hai vợ chồng yêu cầu chia trong vụ án có giá trị hơn 7.900 tỉ đồng gồm ba khoản.
Một là 13 bất động sản thống nhất có giá trị 726 tỉ đồng, bà Thảo, ông Vũ mỗi người 50%. Hai là về tổng giá trị cổ phần tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên có giá trị hơn 5.655 tỉ đồng, sau khi quy đổi từ cổ phần sang tiền, bà Thảo được 40%, ông Vũ được 60%. Ba là tiền, vàng ngoại tệ tại các ngân hàng được xác định 1.551 tỉ cũng chia theo tỉ lệ bà Thảo 40%,ông Vũ 60%.
Như vậy, bà Thảo được chia tổng cộng gần 3.246 tỉ, ông Vũ là hơn 4.687 tỉ đồng. Việc phân chia được tiến hành cụ thể theo các quyết định như dưới.
Tài sản bà Thảo được sở hữu 7 bất động sản bao gồm quyền sử dụng đất và nhà gắn liền trên đất. Hiện khối tài sản này có tổng trị giá gần 376 tỉ đồng theo định giá là bà đang quản lý và sử dụng. Các bất động sản ở quận 2, 3, 9 và Tân Bình (TP.HCM) và hơn 1.008 m2 tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Mảnh đất rộng này hiện đang cho Chi nhánh công ty Trung Nguyên Franchising tại Đà Nẵng thuê.
Phán quyết ghi: Bà Thảo có trách nhiệm liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại các địa phương nơi có tài sản để làm thủ tục chuyển đổi giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất theo luật định.
Ngoài bất động sản trên, bà Thảo sở hữu toàn bộ số tiền đứng tên bà gửi tại các ngân hàng tổng cộng hơn 1.551 tỉ đồng.
Còn phần ông Vũ 6 nhà đất hiện do ông quản lý có giá hơn 350 tỉ tại quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình (TP.HCM) và tại TP. Buôn Mê Thuộc, Nha Trang. Ông Vũ cũng như bà Thảo sẽ liên hệ cơ quan chức năng chuyển đổi giấy tờ các bất động sản này.
Đáng chú ý là ông Vũ được giao sở hữu sở hữu toàn bộ số cổ phần đang ghi tên ông và bà Thảo tại các công ty trong tập đoàn Trung Nguyên được nêu cụ thể. Tổng cộng giao cho ông Vũ được sở hữu toàn bộ số cổ phần và phần góp vốn của ông và bà Thảo trong các công ty với tổng số tài sản tương đương 5.655 tỉ đồng
Ông Vũ phải thanh toán cho bà Thảo số tiền chênh lệch về giá trị tài sản thực nhận so với giá trị tài sản được chia là hơn 1.318 tỉ đồng.
Về án phí, ông Vũ phải đóng số tiền là 4,8 tỉ đồng và bà Thảo là 3,3 tỉ đồng. Bà Thảo còn phải nộp tiếp hơn 2,2 tỉ đồng sau khi trừ các khoản đã đóng tạm ứng án phí. Ông Vũ thì được hoàn lại gần 128 triệu đồng do đã thực hiện xong các khoản tiền án phí.
Lý  do ông Vũ được chia nhiều hơn bà Thảo
Quyết định giám đốc thẩm xác định,tài sản chung của ông Vũ, bà Thảo có là do lợi nhuận từ hoạt động đầu kinh doanh tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên. Nguồn gốc tập đoàn Trung Nguyên là do ông Vũ cùng bố mẹ sáng lập trước khi ông Vũ kết hôn với bà Thảo.
Qua các giai đoạn phát triển của tập đoàn thì ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Do đó, tòa hai cấp xác định ông Vũ có công sức nhiều hơn và chia cho ông Vũ được hưởng 60%, bà Thảo 40% giá trị tài sản là phù hợp.
Việc giao cho ông Vũ sở hữu toàn bộ cổ phần tại các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên không hạn chế quyền tham gia hoạt động kinh doanh của bà Thảo. Bởi lẽ, với giá trị tài sản chung được chia thì bà Thảo hoàn toàn có đủ điều kiện thực hiện hoạt động kinh doanh.
Trên thực tế, bà Thảo vẫn đang tham gia hoạt động kinh doanh. Hơn nữa, tại phiên tòa ông Vũ đồng ý giao toàn bộ tài sản tại Công ty Trung Nguyên Internationnal Pte.Ltđ cho bà Thảo được toàn quyền sở hữu là đảm bảo quyền kinh doanh của bà Thảo.
Trong vụ án này, việc bảo vệ thương hiệu quốc gia cà phê Trung Nguyên là cần thiết và để bảo đảm cho hoạt động của các công ty thuộc tập đoàn Trung Nguyên được ổn định.
HOÀNG YẾN/PLO